Những giải pháp tăng năng suất lao động mà doanh nghiệp có thể áp dụng

author 09:32 24/04/2024

(VietQ.vn) - Năng suất lao động cao sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và có chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường.

Các doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động hãy lựa chọn cho mình một mô hình sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường và chống chịu tốt với các cú sốc bên ngoài để hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất để ứng phó với trạng thái bình thường mới.

Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý. Lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới.

 Năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều thách thức và hạn chế.

Năng suất lao động phụ thuộc chặt chẽ vào khả năng thiết kế và quản lý điều hành hệ thống sản xuất. Do vị trí vai trò của năng suất hết sức quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nên nâng cao năng suất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quản trị sản xuất. Do vậy doanh nghiệp cần hoàn thiện quản trị sản xuất.

Để hoàn thiện biện pháp hoàn thiện quản trị sản xuất, doanh nghiệp có thể: Xác định rõ mục tiêu hoàn thiện năng suất trong sản xuất. Căn cứ vào hệ thống sản xuất hiện tại và tình hình thực hiện các mục tiêu kế hoạch sản xuất mà doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu hợp lý. Mục tiêu phải lượng hoá được bằng các con số cụ thể, có tính khả thi nhưng thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ cạnh tranh khác. Mỗi thành viên cần hiểu rõ mục tiêu, năng suất đặt ra để có kế hoạch hành động thích hợp.

Phân tích, đánh giá quá trình sản xuất phát hiện những khâu yếu nhất – “nút cổ chai” để có những biện pháp khắc phục. Đây là khâu quyết định đến năng suất của toàn bộ hệ thống sản xuất. Tìm kiếm và phát hiện khâu yếu nhất là công việc đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thận trọng, đánh giá tất cả các khâu, các bộ phận, về khả năng kỹ thuật, thiết bị, con người, nguyên liệu và sự phối hợp đồng bộ giữa các nhân tố này.

Tăng cường các biện pháp và phương pháp khuyến khích động viên người lao động như các nhóm lao động, nhóm chất lượng.

Định kỳ đánh giá kết quả của các biện pháp hoàn thiện tăng năng suất và công bố rộng rãi, khen thưởng kịp thời.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt khoa học và công nghệ để vượt qua những thách thức đối với năng suất lao động.

Phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn sử dụng công nghệ máy móc cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Một trong những nguyên nhân gây cản trở gia tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp của Việt Nam là do phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất, năng lực cạnh tranh kém, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn.

Theo đó, doanh nghiệp có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Từ đây giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động hiệu quả.

Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân cản trở tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. 

Do đó doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao kỹ năng chuyên môn làm việc; đồng thời thúc đẩy việc nhân viên tự tìm tòi, học hỏi và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo trực tuyến, qua mạng internet và tạo môi trường học tập ngay tại doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong quản lý nhân sự vì đó chính là cách để tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả của hoạt động quản lý, thúc đẩy nhân viên hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ngày một tăng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất của các doanh nghiệp cũng thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất lao động. Mặt khác, nâng cao chất lượng sản phẩm là để tăng thêm giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm. Đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu đúng quy cách, chủng loại, chất lượng, thời gian vận chuyển và bảo quản; áp dụng các biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện đại; nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên trong việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, cần xác định việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp là nhiệm vụ chung trong chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo.

Cơ sở đào tạo cần có bộ phận độc lập, làm chức năng nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp, kết nối việc làm cho sinh viên; cần chủ động tiếp cận với doanh nghiệp ở mọi thời điểm, khuyến khích sinh viên tích cực tham gia các hoạt động do doanh nghiệp tổ chức.

Thường xuyên lắng nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo tăng cường thời lượng thực hành, thực tập theo cơ cấu 50-50, cung cấp cho người học cơ hội được tiếp xúc sớm với ngành nghề mình lựa chọn.

Chú trọng đào tạo kỹ năng và thái độ, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong làm việc nghiêm túc (đây vốn là những điểm yếu của sinh viên mới tốt nghiệp ra trường). Từ việc đánh giá của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cần điều chỉnh kịp thời các nội dung đào tạo, dạy nghề theo hướng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần quan tâm, trang bị kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin để người học có khả năng thích ứng ngay với công việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cử chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại cơ sở đào tạo. Tạo điều kiện tiếp nhận giảng viên, cán bộ quản lý của cơ sở đào tạo đến doanh nghiệp học tập, học hỏi kinh nghiệm hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế trong môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc người lao động, chủ động tham gia các lớp học chung về năng suất lao động, doanh nghiệp cần tổ chức những buổi đào tạo nội bộ về: văn hóa doanh nghiệp; pháp luật lao động, việc làm; kỹ năng mềm; kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ… để người lao động hiểu khái quát chung về năng suất lao động và tăng năng suất lao động, thấy được ý nghĩa của việc nâng cao năng suất lao động vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người lao động và nâng cao năng suất lao động sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và đặc biệt cho chính bản thân người lao động (do tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương và thu nhập cho người lao động).

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang