Những khuyến nghị nhằm thúc đẩy ngành logistic tại Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai

author 05:20 05/12/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Chính sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra sự thay đổi của ngành logistics trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, ngành logistics Việt Nam là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất Việt Nam trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 648 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Chính sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra sự thay đổi của ngành logistics trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với hệ thống giao thông hiện nay đã được trải dài và rộng khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó, bao gồm cả 5 hệ thống giao thông (đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường biển). Các hạ tầng logistics bao gồm kho bãi, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng về quy mô. Các dịch vụ đi kèm của các doanh nghiệp logistics hiện nay đã, đang thích nghi rất kịp thời và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2022 – 2024 vừa rồi, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được đầu tư vào các dự án quan trọng, dự án trọng điểm và một phần không nhỏ trong số này đã được đưa vào hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế cũng như huyết mạch của ngành dịch vụ logistics. 

Việt Nam được xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như: nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ 8 có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh thuận lợi, nhìn chung, doanh nghiệp logistics của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức khi các phương tiện vận tải biển quốc tế đang nằm trong tay các hãng vận tải lớn của nước ngoài. Hạ tầng logistics nội địa gặp khó khăn trong việc kết hợp giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

Do sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế nên hiện chi phí logistics của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng mặc dù đã có cải thiện trong những năm vừa qua, tuy nhiên, hạ tầng để giúp cho các doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa vẫn còn đâu đó những thách thức rất lớn.

Theo GS.TS John Kent, Trường Đại học Arkaansas (Hoa Kỳ), người có 30 năm kinh nghiệm phát triển các chuỗi cung ứng Hoa Kỳ – Trung Quốc chia sẻ, khu thương mại tự do (FTZ) đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế và giảm thiểu các rào cản trong giao thương. Việt Nam, với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, có cơ hội lớn để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết, từ đó mở rộng mạng lưới giao thương quốc tế và nâng cao vai trò của ngành logistics trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phải phấn đấu để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong việc thúc đẩy hình thành các khu thương mại tự do (FTZ).

Vị chuyên gia này cũng cho biết, Việt Nam có thể phát triển các khu hợp tác kinh tế và biên giới để khuyến khích thương mại biên giới và chế biến xuất khẩu, cải thiện quan hệ với nước láng giềng và cải thiện điều kiện kinh tế ở những khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Ở những khu vực này có thể tập trung vào sản xuất linh kiện, để vật tư đầu vào từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có thể vào Việt Nam sản xuất và xuất khẩu trở lại hay tung ra thị trường. Các hành lang kinh tế như Quảng Đông, Côn Minh (Trung Quốc) tập trung rất nhiều hoạt động sản xuất. Đây là lợi thế quan trọng của Việt Nam khi có đường biên giới tiếp giáp với khu vực này. Vị chuyên gia này cũng đánh giá và kỳ vọng Việt Nam có thể hướng đến trở thành quốc gia thương mại tự do với việc thành lập nhiều khu thương mại tự do khác nhau giống với kinh nghiệm và mô hình từ Singapore.

GS.TS John Kent cũng chia sẻ, khi nhìn vào câu chuyện của Trung Quốc và Hoa Kỳ thì Việt Nam cần nhìn rõ về chiến lược "Trung Quốc + 1". Trong đó, đặc biệt phải đa dạng hóa nguồn cung, với mục tiêu giảm nguy cơ phụ thuộc thông qua việc đa dạng hóa nhà cung cấp. Cùng với đó, cần có mục tiêu là tránh thuế quan từ việc gia công sản xuất ở nước bạn.

Tiếp đến, GS.TS John Kent cũng cho rằng, Việt Nam cần thiết kế các trung tâm tạo ra giá trị. Cụ thể, thiết kế một phần, một vài khu vực (Free trade zone) hoặc toàn bộ quốc gia (Free trade country FTC) trở thành khu thương mại tự do. Trong đó, Việt Nam suy nghĩ, cân nhắc ý tưởng trong đó có việc miễn thuế quan và miễn thị thực để có thể khuyến khích sự giao thương, không chỉ riêng về mặt hàng hóa.

GS.TS John Kent cũng nhấn mạnh về vai trò là cửa ngõ tiểu vùng Mê Kông mở rộng của Việt Nam. Ông cũng có những đánh giá về các mô hình phối hợp công – tư trong phát triển thương mại tự do. Đồng thời, ông cũng chia sẽ kinh nghiệm của mình liên quan đến vấn đề ngoại giao và các nhà ngoại giao trong việc giao lưu thương mại. Trong đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò vị thế trung lập của Việt Nam trong vấn đề thương mại và ngoại giao.

Từ những thực tiễn trên, GS.TS John Kent đã có 5 khuyến nghị, đề xuất việc phát triển logistics cho Việt Nam từ góc nhìn chuỗi cung ứng.
Thứ nhất, Việt Nam cần tận dụng vị thế trung lập ngoại giao của Việt Nam với các nước Trung Quốc và Hoa Kỳ (giống như Thụy Sĩ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu).

Thứ hai, triển khai thương mại tự do (FTZ) cho toàn bộ đất nước Việt Nam (FTC), có thể sử dụng khuôn khổ pháp lý, lấy kinh nghiệm và hình mẫu từ Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc). Ông cũng rất hi vọng Việt Nam sẽ cân nhắc kế hoạch, công bố mình là một quốc gia thương mại tự do từ 1/1/2025.

Thứ ba, việc chuyển dịch về cơ sở hạ tầng, trong đó, khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng tuyến đường sắt hai chiều mới để có thể kết nối Thủ đô Viêng Chăn (Lào) với khu vực bờ biển phía Đông của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Thái Lan. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam đóng vai trò thực sự là cửa ngõ của Đông Nam Á.

Thứ tư, cải thiện các hoạt động ở khu vực cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc); đặc biệt quan trọng là và Việt Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Cuối cùng, Việt Nam cần có công ty, mạng lưới mạnh chuyên về các tàu feeder, gom hàng mạnh để qua đó kết nối Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang