Ninh Bình: Nhận thức của người dân về chuyển đổi số ngày càng được nâng cao
Ninh Bình: ‘Công dân số’ là trọng tâm của chuyển đổi số
Ninh Bình: Cải cách hành chính theo hướng số hóa, tinh gọn và hiệu quả
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ trên tất cả các tỉnh, thành, địa phương. Trong đó, Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh tích cực nêu cao quyết tâm và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân, trong đó xây dựng chính quyền số là để phục vụ người dân tốt hơn, kinh tế số là để người dân giàu hơn và xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, vào tháng 7/2024, tại Quyết định số 506/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2023.
Cụ thể, dựa trên các tiêu chí đánh giá về: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số, kết quả xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước cấp sở, ngành năm 2023 như sau: Sở Thông tin và Truyền thông đạt 358,17 điểm, xếp thứ nhất; Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt 351 điểm, xếp thứ hai; Sở Nội vụ đạt 342,33 điểm, xếp thứ ba.
Đối với việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số cơ quan Nhà nước cấp huyện: Thành phố Ninh Bình đạt 605,21 điểm, xếp thứ nhất; Thành phố Tam Điệp đạt 593,47 điểm, xếp thứ hai; huyện Gia Viễn đạt 574,7 điểm, xếp thứ ba. Đối với các cơ quan Nhà nước cấp xã cũng được đánh giá, xếp loại cụ thể đối với hoạt động chuyển số của từng đơn vị.
Theo đánh giá, nhận thức của người dân Ninh Bình về chuyển đổi số ngày càng được nâng cao. Nhiều người dân đã chủ động cài đặt các phần mềm, ứng dụng số như: tài khoản định danh điện tử VNeID, công dân số My Ninh Bình. Dưới sự hướng dẫn của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ bộ phận một cửa, công dân dễ dàng thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đem lại những lợi ích thiết thực.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích của các ứng dụng số trong cuộc sống hàng ngày; đầu tư nâng cấp hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin mạng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực nhằm đạt mục tiêu cuối cùng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mai Phương