Cảnh giác với tình trạng nở rộ quảng cáo gói tầm soát ung thư, đôt quỵ trên mạng
Những hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử
Thủ đoạn lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp làm nhiều người mắc bẫy
Cảnh giác lừa đảo trước yêu cầu tích hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào VNeID
Lo lắng về bệnh tật, đặc biệt là ung thư, đột quỵ, khiến nhiều người tìm đến các gói tầm soát đang nở rộ trên mạng xã hội. Các gói tầm soát đột quỵ được quảng cáo với nhiều lời lẽ có cánh, giá đắt đỏ từ vài triệu đến cả trăm triệu được tung ra. Thực hư có phải cứ thải độc máu, tầm soát chuyên sâu như chụp cộng hưởng từ (RMI), CT-scan là có thể phòng được đột quỵ hay mất tiền oan?
Đột quỵ là tình trạng rất phổ biến, gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Đánh trúng tâm lí đó, nhiều gói dịch vụ tầm soát căn bệnh này được nhiều cơ sở y tế tư nhân quảng cáo rầm rộ, tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Một số kĩ thuật của gói tầm soát được đưa ra như chụp MRI não, MRI mạch máu não, chụp mạch cảnh, CT-scan, siêu âm mạch máu, điện tim, đo chỉ số ABI, TBI, chụp soi đáy mắt, xét nghiệm máu, định lượng cholesterol toàn phần, đánh giá chức năng gan, thận, hô hấp, đái tháo đường có mức từ 2,5 - 11,5 triệu đồng tuỳ vào kỹ thuật trong mỗi gói. Đặc biệt, còn có một phương pháp mới được đưa ra là lọc máu để sàng lọc đột quỵ.
Thiếu tá Nguyễn Minh Thu, Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 198, Bộ Công an cho biết, tầm soát đột quỵ chỉ nên hướng tới việc tìm các yếu tố nguy cơ có thể người bệnh không phát hiện trước đó như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, để từ đó tư vấn cho người bệnh phòng ngừa đột quỵ. Việc tầm soát yếu tố nguy cơ cơ bản bằng các xét nghiệm đơn giản, không tốn kém mà mang lại hiệu quả, thay vì đi chụp MRI, CT đắt như quảng cáo hiện nay. Lọc máu có thể giải quyết tạm thời, nhưng nếu ăn uống, chuyển hóa lại về nhịp cũ thì hoàn toàn không có ý nghĩa. Việc thực hiện lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, chuyên dụng. Bác sĩ thực hiện phải có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể, được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu mới có thể thực hiện được.
Người bệnh nên cảnh giác trước các gói tầm soát ung thư, đột quỵ quảng cáo trên mạng. Ảnh minh họa
Tương tự, đối với gói tầm soát ung thư, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều quảng cáo tư vấn dịch vụ tầm soát, cam kết sàng lọc đúng bệnh, tiết kiệm và chính xác thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt bình luận.
Đơn cử, một cơ sở y tế tư nhân quảng cáo trên Facebook về gói tầm soát ung thư toàn thân với hơn 90 xét nghiệm liên quan với đảm bảo phát hiện được tất cả các bệnh ung thư nếu có. Hay cũng trên mạng xã hội, một phòng khám tư nhân cũng đưa ra những ưu đãi đặc biệt về dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà, cùng lời khẳng định “chỉ cần xét nghiệm máu là có thể phát hiện ung thư”.
Về vấn đề này, BS Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho rằng, không quá khi nói rằng hiện nay người dân như đang lạc vào “ma trận” của các gói, các loại tầm soát ung thư. Không ít các bệnh viện cũng đang xây dựng các gói tầm soát ung thư sớm dựa trên số tiền mà người dân bỏ ra. Hiểu nôm na là chi nhiều tiền thì sẽ có gói tầm soát cao cấp và ngược lại, cách xây dựng này hoàn toàn mang mục đích thương mại mà không từ góc độ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thậm chí, một vài gói tầm soát không những thực hiện những xét nghiệm rất đắt đỏ mà còn gây xâm lấn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân như chụp CT toàn thân hay chụp PET/CT.
“Việc tầm soát ung thư là rất tốt nhưng cần sự phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Chúng ta cần hiểu, mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau, thực hiện trên nam và nữ có khác biệt. Chưa kể, một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm. Bởi vậy, việc thực hiện tầm soát toàn thân, xét nghiệm tràn lan còn gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm” - BS Hoàng cho biết.
Không chỉ nở rộ các gói tầm soát ung thư, kèm đó là hàng loạt các quảng cáo quá sự thật, thậm chí là sai lệch như "chỉ một xét nghiệm ra nhiều bệnh", "tầm soát ung thư đa điểm, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài chỉ với một gói khám"... đã khiến không ít người dân tiền mất, tật mang.
GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: “Ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, cho nên nếu chỉ một xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có”.
GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, các quảng cáo, thông tin về việc xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư là không chính xác. Thông thường, những dịch vụ này quảng cáo là xét nghiệm máu để phát hiện chất chỉ điểm ung thư, hoặc dấu ấn ung thư. Thế nhưng, thực tế là trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi và đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không phải để sàng lọc. Hơn nữa, một số chất chỉ điểm không chỉ tăng khi bị ung thư, mà viêm nhiễm thông thường, mắc các bệnh phổ biến cũng có thể tăng lên. Vì vậy, xét nghiệm chất chỉ điểm để sàng lọc ung thư không có ý nghĩa quá lớn.
Theo các BS, người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, BS đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh. Tuyệt đối không tin vào các chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng, nhất là với bệnh nan y như ung thư, vừa mất tiền vừa khiến bệnh nặng thêm khi không được điều trị kịp thời.
Thông tin thêm, BS Phạm Văn Thái - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết, nhiều người đi khám tầm soát ung thư với tâm lý lo lắng, sợ hãi nên yêu cầu được xét nghiệm tổng thể. Tuy nhiên, việc kiểm tra chụp chiếu hay làm xét nghiệm tất cả bộ phận trên cơ thể để tìm ung thư là không hiệu quả và tốn kém. Thậm chí, nhiều gói tầm soát ung thư còn mang tính kinh doanh, không có lợi cho người được tầm soát. Xét nghiệm tràn lan còn gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm. Tầm soát ung thư thường áp dụng trên những đối tượng nguy cơ cao mặc bệnh ung thư nào đó, thường liên quan đến những nhóm tuổi nhất định. Đồng thời, để khám sàng lọc ung thư, tùy theo triệu chứng lâm sàng, tiền sử gia đình của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp và cần thiết như xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm... Khi có dấu hiệu nghi ngờ sẽ tiến hành chụp CT, chụp MRI, chụp PET/CT... và nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác. Các bác sĩ sẽ dựa vào những kết quả này để đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, hành vi quảng cáo gian dối, đưa ra thông tin sai để lấy tiền của khách hàng quy vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình phạt cao nhất có thể lên tới tù chung thân.
An Dương (T/h)