Nông dân phải nhổ bỏ hàng nghìn tấn rau: Bộ Nông nghiệp nói gì?

authorĐỗ Thu Thoan 08:30 17/03/2018

(VietQ.vn) - Liên quan đến việc nông dân phải nhổ bỏ hàng nghìn tấn rau, mới đây Bộ NN&PTNT đã lên tiếng và cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Dẫn thông tin Zing đăng tải, theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình trạng rau củ quả rớt giá ở nhiều địa phương có nhiều lý do.

Thứ nhất là do quy luật chuyển vụ. Thông thường cuối đông, đầu xuân, người trồng rau màu bắt đầu chuyển sang vụ lúa. Nước đổ ải về cho các ruộng lúa nên nhà nào vẫn trồng màu, không chuyển sang trồng lúa cũng bị ảnh hưởng.

Thứ hai, việc rau củ đang giá giảm sâu là do người trồng tranh thủ giá cao nên ở lứa 2 của rau vụ đông. Một số hộ tranh thủ trồng rau vụ xuân, lấy lứa thứ nhất rau vụ xuân sớm để bán, kỳ vọng giá cao tiếp tục duy trì. Tuy nhiên năm nay, nông dân trồng từ tháng 12 năm ngoái (thông thường là tháng 1) nên đúng thời điểm thu hoạch lại trùng với lúc vét của cây rau vụ đông, và bị dồn ứ về sản lượng.

Thứ ba, ông Sơn cho rằng năm nay do thời tiết thuận lợi nên sản lượng tăng cao. Nửa cuối tháng 2 và tháng 3 thời tiết ấm, một số rau nhiệt đới như rau rền, rau muống, mùng tơi phát triển nhanh, đến đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường nên khi người tiêu dùng đang trong một thời gian dài ăn các rau vụ đông, muốn thay đổi món, chuyển sang ăn rau xuân hè. Diện tích còn lại của rau vụ đông sẽ tiêu thụ chậm lại.

nong-dan-phai-nho-bo-hang-nghin-tan-rau-bo-nong-nghiep-noi-gi

Nông dân ở Mê Linh, Hà Nội nhổ bỏ củ cải vì giá quá rẻ. Ảnh: Đời sống pháp luật

Do những lý do trên nên xảy ra hiện tượng dồn ứ sản phẩm ở thời điểm cục bộ tuần thứ nhất và thứ 2 của tháng 3. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục trồng trọt cho biết theo thống kê hiện diện tích này còn không lớn.

Theo Zing, báo cáo chiều 15/3 của một số Sở NN&PTNT, diện tích còn lớn nhất của lứa cuối rau vụ đông và lứa đầu rau vụ xuân như Hà Nội còn 1.150 ha, Hải Dương hơn 100 ha, còn các vùng khác còn 10-15 ha.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy về điệp khúc buồn của nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, tình trạng nông sản của chúng ta mất giá là việc thực sự không mong muốn, phát sinh từ chuyện chúng ta chuyển sang cơ chế sản xuất theo thị trường.

Việt Nam có hơn 16 triệu hộ sản xuất ở nông thôn, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, nên việc định hướng quy hoạch cũng khó khăn. Người nông dân không thể nắm bắt ngay tín hiệu thị trường, bởi vậy, Nhà nước phải có dự báo, quy hoạch với sản xuất của người dân.

Tuy vậy, có nhiều trường hợp Nhà nước đã có khuyến cáo, nhưng cứ được giá mặt hàng nào thì bà con lại tập trung sản xuất mặt hàng đó, dẫn đến cung vượt cầu.

"Người nông dân, chủ yếu vẫn quen sản xuất theo lối truyền thống. Khi thấy mặt hàng nào có lợi nhuận cao thì lại tập trung vào mặt hàng đó, thậm chí nhiều nơi có khuyến cáo nhưng không nghe, vẫn cố gắng sản xuất", Thứ trưởng Tuấn nói.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang