Pháo phản lực B-13 Katyusha: 75 năm huyền thoại ‘Dàn đồng ca đỏ’

author 15:59 21/01/2016

(VietQ.vn) - Pháo phản lực tự hành B-13 Katyusha không chỉ là huyền thoại trong số các dòng pháo phản lực mà còn là niềm tự hào của Liên Xô trong Thế chiến thứ 2.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Pháo phản lực tự hành B-13 Katyusha hay Cachiusa (BM là cụm từ viết tắt của "Boyevaya Mashina" - thiết bị phóng) là một dạng bệ phóng đạn phản lực được chế tạo bởi Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. Đây là hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) đầu tiên trên thế giới. So sánh với các loại pháo khác, Katyusha có khả năng oanh tạc một địa điểm trong thời gian rất ngắn với sức công phá cao nhưng độ chính xác thấp và thời gian nạp đạn lâu. Tuy vậy ưu điểm lớn nhất là rẻ tiền cộng với sức cơ động cao đã khiến Katyusha trở thành một huyền thoại của Chiến tranh thế giới II với biệt danh "Dàn đồng ca đỏ", báo Tri Thức Trẻ nhận định.

Pháo phản lực Katyusha được đánh giá là một trong những vũ khí huyền thoại của Hồng quân Liên Xô

Pháo phản lực Katyusha được đánh giá là một trong những vũ khí huyền thoại của Hồng quân Liên Xô

Hồng Quân Liên Xô chọn biệt danh Katyusha cho loại pháo này theo tên bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Mikhail Vasilevich Isakovsky trong thời chiến nói về một cô gái mong chờ người yêu dấu đang đi xa để thực hiện nghĩa vụ trong quân đội. Katyusha có nghĩa là "Katerina bé nhỏ". Phát xít Đức còn đặt một biệt hiệu khác cho Katyusha là "Organ của Stalin" sau khi vị cố Tổng bí thư Liên Xô ví pháo Katyusha như những ống hơi của những chiếc đàn organ khổng lồ trong nhà thờ.

Việc phát triển của pháo phản lực Katyusha là lời đáp trả việc phát triển pháo cối Nebelwerfer sáu nòng của Đức Quốc xã trong năm 1936. Vào năm 1938, Viện nghiên cứu Phản lực Liên Xô, theo sự ủy quyền của Bộ Tổng tư lệnh Pháo binh, phát triển dàn phóng đa hỏa tiễn dùng cho máy bay RS-132. Kỹ sư I.Gvay cho đội thiết kế bắn thử nghiệm đạn M-132 132mm bằng dàn pháo đặt trên xe ZiS-5. Sau khi cuộc thử nghiệm thất bại, kỹ sư V.N. Galkovskiy đã đề nghị lắp những thanh phóng dọc trên giá đỡ.

Đến tháng 8/1939, pháo phản lực BM-13 ra đời và vẫn tiếp tục được thử nghiệm cho đến khi bắt đầu được sản xuất từ năm 1940. Trong năm 1941, khi Phát Xít Đức tấn công Liên Xô, mới chỉ có 40 dàn pháo phản lực được lắp ráp.

Pháo phản lực Katyusha bắt đầu được sản xuất đại trà từ năm 1940

Pháo phản lực Katyusha bắt đầu được sản xuất đại trà từ năm 1940. Ảnh Mil

Sau thắng lợi trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh, một lượng lớn pháo Katyusha được sản xuất và gồm nhiều loại với giá thành không hề đắt. Đến cuối năm 1942, quân đội Liên Xô có trong tay 3.237 khẩu pháo loại này, và sau chiến tranh Liên Xô đã sản xuất khoảng 10.000 khẩu Katyusha.

Theo báo Hà Nội Mới, Katyusha có thiết kế khá đơn giản, chỉ bao gồm một giá có gắn những thanh phóng đạn bằng thép cùng bộ khung gập để nâng thanh phóng lên vị trí mong muốn. Do vậy, Katyusha được lắp ráp trên nhiều phương tiện, từ xe tải, xe tăng, xe kéo pháo đến tàu thủy; và có thể nhả đạn vào mục tiêu rồi rút lui trước khi bị phản pháo vào vị trí vừa triển khai trước đó.

Pháo phản lực Katyusha được đặt tên theo một bài hát nổi tiếng của Nga

Pháo phản lực Katyusha được đặt tên theo một bài hát nổi tiếng của Nga

Ngoài ra, hệ thống tên lửa độc đáo của Liên Xô cũng tỏ ra vượt trội về khả năng tấn công khi có thể bắn cùng lúc nhiều loạt đạn. Với những vũ khí gồm pháo BM-13, pháo hạng nhẹ BM-8 và hạng nặng BM-31, mỗi lần khai hỏa, "Dàn đồng ca đỏ" rót xuống kẻ thù 16 đến 48 quả tên lửa. Chỉ trong khoảng thời gian từ 7 tới 10 giây, khoảng 4,35 tấn thuốc nổ của Katyusha có thể cày xới cả khu vực rộng đến 4 hécta, san bằng công sự, phá nát các mục tiêu với cách tấn công được lính Đức ví như rót lửa từ trên trời xuống.

Sau sự thành công của Katyusha, Liên Xô tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các pháo phản lực tự hành như BM-24 (12 ống phóng, 240 mm), BMD-20 (4 ống phóng, 200 mm), BM-14-16 (16 ống phóng, 140 mm)… Trong đó phải kể đến BM-21 Grad – một những loại pháo phản lực tự hành uy lực và phổ biến nhất trên thế giới.

Quang Minh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang