Phát hiện gần 40.000 sản phẩm phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 06:37 29/07/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa thu giữ 39.000 sản phẩm ốp điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Samsung.

Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 06 (Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn) đã nhận được phản ánh về hành vi buôn bán số lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Samsung tại 1 cơ sở kinh doanh. Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tổ chức khám xét hàng hóa có chứa bên trong các bao tải dứa đang để tại khu vực lề đường Ngô Thì Sỹ, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). 

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định chủ sở hữu của lô hàng trên là bà Âu Thị Bộ (địa chỉ thường trú tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng hóa trên là ốp sau điện thoại mang nhãn hiệu SamSung các loại A32, A32A, A52, A22, A32B, với tổng số lượng 39.000 sản phẩm. Toàn bộ lô hàng trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tất cả số hàng hoá ước tính trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ lô hàng trên không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trên. Đội Quản lý thị trường số 06 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lô hàng phụ kiện điện thoại được lực lượng chức năng phát hiện kịp thời và thu giữ theo quy định của pháp luật. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có hơn 6.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số hộ kinh doanh bày bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với các mặt hàng như: quần áo, đồ gia dụng…

Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 01 cho biết, để ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đầu năm 2021 đến nay, đội đã tổ chức kiểm tra 214 cuộc. Trong đó, phát hiện và xử lý 20 vụ liên quan đến hàng giả với số tiền xử phạt hành chính 156 triệu đồng. 

Các đội QLTT khác trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong 6 tháng đầu năm 2021, các đội QLTT thực hiện tuyên truyền lưu động qua loa phát thanh được 244 lượt; tuyên truyền thông qua kiểm tra, kiểm soát được 4.933 lượt; tổ chức cho chủ các cơ sở kinh doanh ký cam kết về văn minh thương mại được trên 871 lượt người; cấp, phát hơn 2.280 tờ rơi khuyến cáo…

Song song với thực hiện công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát được lực lượng QLTT quan tâm, chú trọng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 1.410 vụ, qua đó, phát hiện 1.157 vụ vi phạm các quy định về kinh doanh, thương mại. Trong đó có 28 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm 274 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá tương đương hàng thật 1,1 tỷ đồng.

Các giải pháp mà lực lượng QLTT tỉnh đã tích cực triển khai trong thời gian qua đã và đang góp phần thúc đẩy tiêu dùng lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng bị pháp luật xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt đối với hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng sẽ từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật. Cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong một số trường hợp vi phạm cụ thể, mức phạt tiền có thể cao gấp hai lần các mức tiền phạt đã quy định.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang