Phát hiện kho hàng trên 8.000 sản phẩm gia dụng vi phạm nhãn hàng hóa

author 11:13 02/06/2021

(VietQ.vn) - QLTT Vĩnh Long phát hiện kho hàng trên 8.000 sản phẩm gia dụng vi phạm nhãn hàng hóa

Lúc 08 giờ ngày 31/5/2021, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH thương mại Nguyên Nhật tại địa chỉ số 86A, đường 8 tháng 3, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, do ông Nguyễn Dương Hùng Anh làm giám đốc.

Kết quả kiểm tra đã phát hiện tại kho hàng của Công ty có 8.339 đơn vị hàng hóa là dụng cụ gia đình (bình giữ nhiệt, ly giữ nhiệt, máy xay thịt, lọ xay tiêu, dụng cụ đựng thực phẩm, chén Inox, bóng đèn led, nồi cơm điện, hủ đựng gia vị, dụng cụ mài dao, dụng cụ nhà bếp) do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa là 73.535.000 đồng.

 Kho hàng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. 

Tại thời điểm kiểm tra đại diện Công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên, chờ xác minh làm rõ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế nước ta.

Để ngăn chặn các hành vi gian lận, trong thời gian vừa qua cơ quan hải quan đã yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải ghi đầy đủ các thông tin bắt buộc trên nhãn gốc ngay tại thời điểm thông quan và xử phạt các trường hợp nhãn gốc không thể hiện đầy đủ thông tin bắt buộc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chân chính, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ trong hồ sơ nhập khẩu nhưng trên nhãn hàng hóa tại thời điểm thông quan không thể hiện xuất xứ hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ CP doanh nghiệp được ghi bổ sung nhãn phụ tiếng Việt đối với nội dung xuất xứ còn thiếu nhưng phải đúng với xuất xứ trong hồ sơ nhập khẩu.

Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp cũng đã xem xét và có ý kiến về vấn đề này và khẳng định nhãn hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu chưa có đủ nội dung bắt buộc là chưa vi phạm quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Sau đó, cơ quan hải quan cũng đã thu hồi lại các quyết định xử phạt không đúng quy định.

Tuy nhiên trước thực trạng lợi dụng việc ghi nhãn phụ để gian lận, Bộ Tư pháp đang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc thực tế này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong thời gian tới.

Thu Hà

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang