Phát hiện lượng lớn hàn the có trong chả cá mè

author 06:05 16/12/2022

(VietQ.vn) - Sau khi kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3, Cục QLTT Cần Thơ phát hiện cơ sở kinh doanh chả cá có sản phẩm dương tính với hàn the.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Cần Thơ kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh chả cá K.A, trên đường Nguyễn Khuyến, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Đoàn kiểm tra phát hiện có 2 loại chả cá mè, không có ghi nhãn hàng hóa: 1 loại có số lượng 147 kg, giá bán 50.000 đồng/kg; 1 loại có số lượng 60 kg, giá bán 50.000đồng/kg.

Đoàn kiểm tra dùng test kiểm tra nhanh hàn the 2 mẫu chả cá mè, kết quả test nhanh cho thấy, loại số lượng 147 kg có kết quả âm tính, còn loại có số lượng 60 kg có kết quả dương tính.

Lượng lớn chả cá mè dương tính với hàn the bị lực lượng chức năng phát hiện

Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 2 mẫu chả cá mè gửi đơn vị kiểm nghiệm để xác định chất phụ gia thực phẩm và liều lượng sử dụng của chất phụ gia để làm căn cứ xử lý theo quy định.

Lực lượng quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn nguyên bao bì, bảo quản đảm bảo, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình, nhất là trong giai đoạn Tết Nguyên đán sắp đến gần.

Hàn the (borax) được sử dụng rộng rãi trong các chất tẩy rửa, chất làm mềm nước, xà phòng, chất khử trùng, thuốc trừ sâu và là chất cấm trong thực phẩm.

Tuy nhiên vì lợi nhuận cũng như do tâm lý người tiêu dùng muốn ăn giò chả thơm, giòn nên hàn the vẫn được sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu ăn thực phẩm chứa hàn the (có nhiều trong giò, chả, nem...), chất này sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây triệu chứng cấp tính và mạn tính.

Các loại ngộ độc do hàn the như ngộ độc cấp tính, xảy ra trung bình 6-8 giờ sau khi ăn, nuốt phải hàn the, với các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, co giật. Người ăn phải hàn the có cảm giác bị chuột rút vùng bụng, vật vã, dấu hiệu kích thích màng não và kích động, tróc da, phát ban, đặc biệt vùng mông, gan bàn tay. Thậm chí, với hàm lượng cao có thể gây suy thận. Nhịp tim nhanh, sốc trụy mạch, da xanh tím, co giật, hoang tưởng và hôn mê.

Những thay đổi bệnh lý thường gặp là ổ chảy máu, sung huyết và thâm nhiễm bạch cầu da, thoái hóa ống thận, thoái hóa mỡ gan, thực bào thần kinh, giảm chất nhiễm sắc ở não và tủy sống. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cấp tính khoảng 50%.

Trường hợp ngộ độc mãn tính do ăn phải hàm lượng thấp, hàn the tích lũy trong cơ thể, gây ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ, quá trình chuyển hóa và chức phận của thận, biểu hiện bằng mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, nôn tiêu chảy nhẹ, mẩn đỏ da, cùng với tróc da, đặc biệt ở mông, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Rụng tóc, suy thận, cơn động kinh co giật, da xanh xao, suy nhược không hồi phục được.

Liên quan đến chất phụ gia, Bộ Y tế từng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

QCVN 4-23:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất tạo bọt;

QCVN 4-22:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất nhũ hóa;

QCVN 4-21:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất làm dày;

QCVN 4-20:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất làm bóng;

QCVN 4-19:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Enzym;

QCVN 4-18:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chế phẩm tinh bột;

QCVN 4-14:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất tạo phức kim loại;

QCVN 4-13:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất ổn định;

QCVN 4-12:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất bảo quản;

QCVN 4-1:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất điều vị;

QCVN 4-17:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất khí đẩy;

QCVN 4-16:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất độn;

QCVN 4-15:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất xử lý bột;

QCVN 4-11:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất điều chỉnh độ acid.

Bảo Linh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang