Phát hiện nhiều kho hàng, cơ sở kinh doanh thời trang vi phạm về ghi nhãn

author 20:39 05/10/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa đồng loạt kiểm tra nhiều kho hàng, cơ sở kinh doanh thời trang, dệt may trên địa bàn Thái Bình và thu giữ nhiều sản phẩm vi phạm.

Thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021, chỉ trong 3 ngày, từ 01-03/10/2021, Đội QLTT số 3 và Đội QLTT số 5 đã đồng loạt kiểm tra đột xuất các kho hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh quần áo, hàng may mặc. 

Cụ thể, ngày 3/10, Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp - Cục QLTT kiểm tra đột xuất kho hàng của Công ty TNHH may xuất khẩu Bình Lan, địa chỉ: Thôn Tân Hoá, Xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ đang sản xuất, kinh doanh vải cuộn các loại.

Qua kiểm tra thực tế phát hiện 92 cuộn vải các loại, tổng trọng lượng 2.061 kg, Công ty chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hoá trên. Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa để thẩm tra, xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

 Lượng lớn hàng hóa vi phạm bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình

Tiếp đến ngày 02/10/2021, Đội QLTT số 3 nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân. Qua thẩm tra xác minh thông tin, Đội đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng quần áo Nết Hoàng do bà Nguyễn Thị Nết làm chủ, địa chỉ: Xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà đang kinh doanh quần áo các loại có dấu hiệu vi phạm về nhãn, nhãn hiệu hàng hóa.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 700 bộ quần áo trẻ em gắn nhãn hiệu “UNIQLO” và 80 bộ quần áo thể thao nam gắn nhãn hiệu “ADIDAS” có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, trị giá 25.800.000 đồng. Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa để thẩm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo nguồn tin của quần chúng nhân dân đã được thẩm tra, xác minh, ngày 01/10/2021, Đội QLTT số 5 đã tiến hành khám nơi cất giấu hàng hoá tại Cơ sở sản xuất, buôn bán hàng dệt may Hương Hiền, địa chỉ: Xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình do ông Vũ Văn Hương làm chủ.

Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất, kinh doanh 30 bao áo len các loại, tổng trọng lượng 560 kg có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hoá. Ông Hương - chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hoá trên.

Thời gian tới, Cục QLTT Thái Bình tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao ý thức hiểu biết pháp luật của chủ cơ sở. Tổ chức kiểm tra, tuyên truyền tại các chợ truyền thống để người tiêu dùng nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết về hàng hóa, có khả năng phân biệt hàng thật- hàng giả, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Các tiêu chuẩn ngành dệt may

Tiêu chuẩn RCS

Một trong những tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến hiện nay đó là RCS. Tiêu chuẩn này thường được áp dụng trong quá trình theo dõi nguyên liệu thô tái chế.

Việc áp dụng tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng giúp các đơn vị sản xuất xác định được lượng nguyên liệu tái chế. Thông qua tiêu chuẩn, các doanh nghiệp có thể đảm bảo với người tiêu dùng về tính minh bạch trong thành phần của sản phẩm.

Tiêu chuẩn RDS

RDS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Đây còn được gọi là tiêu chuẩn Lông vũ trách nhiệm xã hội (Responsible Down Standard). RDS không phải là tiêu chuẩn bắt buộc nhưng lại được áp dụng phổ biến vì mang lại nhiều lợi ích. Vì ngoài bảo vệ quyền lợi vịt hay ngỗng, tiêu chuẩn còn giúp truy xuất nguồn gốc của lông vũ được sử dụng trong chuỗi cung ứng.

Tiêu chuẩn RWS

RWS được xem là một trong những công cụ hoàn hảo giúp các thương hiệu khẳng định chất lượng sản phẩm len. Đồng thời, những mặt hàng gắn nhãn RWS còn giúp người tiêu dùng yên tâm về sự tương ứng giữa chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, tiêu chuẩn còn giúp các đơn vị sản xuất đảm bảo uy tín vì tìm được nguồn len đáng tin cậy.

Tiêu chuẩn GRS

Trong số những tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng phổ biến hiện nay có cả GRS. Đây là tiêu chuẩn giúp xác định thành phần tái chế của sản phẩm. Ngoài ra, GRS còn có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động xã hội và môi trường vì đảm bảo hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Thông qua đó, điều kiện làm việc và sự an toàn trong lao động cũng được đảm bảo.

Tiêu chuẩn GOTS

GOTS là tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu được thiết lập năm 2006. Tiêu chuẩn giúp đảm bảo tình trạng hữu cơ của sản phẩm dệt may. Đặc biệt, GOTS áp dụng cho cả quá trình từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến khâu sản xuất. Nhờ vậy, người dùng có thể yên tâm hơn về thành phần cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó, GOTS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến trên toàn cầu hiện nay.

Tiêu chuẩn OCS

OSC là tiêu chuẩn có tác dụng trong việc xác minh hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn được dùng để áp dụng cho những sản phẩm có chứa 5 – 100% hàm lượng hữu cơ.

Đồng thời, việc áp dụng tiêu chuẩn giúp các đơn vị sản xuất theo dõi hành trình của nguyên liệu trong suốt chuỗi cung ứng. Trong đó, đối tượng mà tiêu chuẩn hướng đến chính là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất mặt hàng từ nguyên liệu hữu cơ.

Tiêu chuẩn OEKO TEX

OEKO TEX là tiêu chuẩn được thiết lập nhằm giảm thiểu lượng chất độc hại có trong các mặt hàng dệt. Để những sản phẩm của mình có thể gắn nhãn OEKO TEX, các đơn vị áp dụng cần phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra nghiêm ngặt. Hiệu lực của chứng nhận OEKO TEX là một năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiến hành gia hạn khi chứng nhận hết hiệu lực nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tiêu chuẩn FSC

Ngoài những tiêu chuẩn ngành dệt may được đề cập trên thì FSC cũng là cái tên không nên bỏ qua. Vốn được hình thành bởi một tổ chức phi chính phủ, tiêu chuẩn có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự bền vững của hệ thống quản lý rừng. Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn giúp giảm thiểu vấn nạn khai thác rừng trái phép. Nhờ vậy, việc bảo tồn và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng được đảm bảo tốt hơn.

Tiêu chuẩn ISO 14001

ISO 14001 vốn là tiêu chuẩn quy định về vấn đề quản lý môi trường được xây dựng bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế. Không chỉ hạn chế tác động xấu, tiêu chuẩn còn nâng cao hiệu quả hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, sản phẩm ngành may dệt cũng được đảm bảo chất lượng lẫn an toàn với người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn ISO 5001

Thông qua tiêu chuẩn, các đơn vị sản xuất có thể từng bước tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống quản lý năng lượng. Điều này được thực hiện thông qua việc ghi chép, xem xét, kiểm toán và phân tích.

Tiêu chuẩn BSCI

BSCI được thiết lập bởi Hiệp hội Ngoại thương (FTA) vào năm 2003. Tiêu chuẩn có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng một diễn đàn chung. Đặc biệt, tiêu chuẩn có thể áp dụng cho hầu hết các đơn vị, tổ chức mà không phân biệt loại hình hay quy mô. Khi áp dụng trong ngành dệt may, tiêu chuẩn BSCI giúp xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tiêu chuẩn SMETA

Tiêu chuẩn cung cấp cho các đối tượng áp dụng phương pháp đánh giá hiệu quả. Thông qua SMETA, các đơn vị có thể hạn chế tình trạng chồng chéo trong việc đánh giá đạo đức cũng như trách nhiệm xã hội.

Tiêu chuẩn Bluesign

Khi áp dụng trong ngành may dệt, tiêu chuẩn góp phần quản lý một cách hiệu quả chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm. Cụ thể, tiêu chuẩn giúp đảm bảo việc không sử dụng những chất hóa học độc hại khi sản xuất các mặt hàng dệt may.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang