Phát hiện nhiều mẫu nước vượt quy chuẩn: Thanh tra Công ty Cấp nước Nghệ An

author 13:27 27/02/2023

(VietQ.vn) - Quá trình kiểm tra phát hiện mẫu nước thô sông Lam có 1 thông số giám sát không đạt (COD) vượt quy chuẩn 1,24 lần. Mẫu nước thô sông Đào có 4 thông số giám sát vượt quy chuẩn cho phép, gồm: BOD5 vượt 1,17 lần, COD vượt 1,007 lần, TSS vượt 1,26 lần, Nitrit vượt 1,34 lần; trong đó chỉ số TSS thể hiện chất gây ô nhiễm nước.

UBND tỉnh Nghệ An mới đây đã ban hành quyết định về việc thanh tra xác định nguyên nhân sự cố nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận bị nhiễm bẩn, đục bất thường.

Quyết định số 3037/QĐ-UBND nêu rõ, tiến hành thanh tra tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An, xác định nguyên nhân sự cố về việc nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận bị nhiễm bẩn, đục bất thường; việc sử dụng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước; việc tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng các tuyến ống và các nhà máy nước. Thời kỳ thanh tra từ năm 2019 đến nay.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng các sở: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, cùng các địa phương tiến hành kiểm tra vấn đề nước sạch trên địa bàn TP.Vinh và các vùng phụ cận. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại hiện trường và báo cáo của các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng đã có văn bản số 2401/SXD-HTKT báo cáo UBND tỉnh.

Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An. 

Theo đó, đoàn kiểm tra kết luận về nước thô đầu vào, mẫu nước thô sông Lam có 1 thông số giám sát không đạt (COD) vượt quy chuẩn 1,24 lần. Mẫu nước thô sông Đào có 4 thông số giám sát vượt quy chuẩn cho phép, gồm: BOD5 vượt 1,17 lần, COD vượt 1,007 lần, TSS vượt 1,26 lần, Nitrit vượt 1,34 lần; trong đó chỉ số TSS thể hiện chất gây ô nhiễm nước. Vì vậy, nếu quá trình sản xuất không đảm bảo lắng, lọc các chất không hòa tan sẽ dẫn đến xuất hiện vật thể lạ trong nước sinh hoạt như vừa qua.

Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy nước Hưng Nguyên sử dụng nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sạch với công suất trung bình khoảng 2.500m3/giờ tương đương công suất 60.000m3/ngày đêm cấp nước về khu vực TP.Vinh. Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch trong 6 tháng đầu năm 2022 sử dụng nguồn nước thô sông Lam để sản xuất nước sạch giảm khối lượng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đoàn kiểm tra, để xảy ra sự việc nước sạch bị nhiễm bẩn thời gian qua trách nhiệm thuộc về Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Cụ thể, Công ty không kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khi người dân phản ánh hiện tượng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, đục bất thường. Việc xử lý sự cố và khôi phục việc cấp nước sạch không triệt để, kịp thời dẫn đến cung cấp dịch vụ cấp nước cho người dân không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, trong đó có Công an tỉnh kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, phối hợp làm rõ nguyên nhân sự cố, xác định hành vi vi phạm pháp luật có liên quan của các cá nhân, tổ chức, xử lý theo đúng quy định; thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì để tiến hành kiểm tra sự việc.

Trước đó, năm 2019, Công ty CP Cấp nước Nghệ An cũng đã bơm nước sông Đào thay thế nước sông Lam để sản xuất nước sạch bán cho người dân dù giá nước thô từ dòng sông Lam được phê duyệt là 1.950 đồng/m3, nước thô từ sông Đào là 900 đồng/m3, chênh lệch giá nước sạch thành phẩm khi sản xuất từ 2 nguồn nước thô này được quy định là 2.000 đồng/m3. Việc sử dụng nguồn nước này nhưng lại bán trên đơn giá của sản phẩm khác cao hơn, ít nguy cơ ô nhiễm hơn, sự chênh lệch giá trên đã gây thiệt hại lớn cho người dân.

Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 5640/UBND-CN chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng trên, yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An dừng việc lấy nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sinh hoạt tại 2 nhà máy nước Bạch Cầu và Hưng Vĩnh; thực hiện lấy nguồn nước thô trực tiếp từ sông Lam (đã được tính đủ chu phí nước thô trong giá tiêu thụ nước sạch tại Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Nghệ An) để sản xuất nước sạch cấp cho địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận.

Hồi năm 2020, báo chí có bài viết phản ánh việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An tự ý thi công, đầu tư xây dựng hàng loạt công trình, hạng mục mà không tuân thủ quy định pháp luật như: Thi công đường ống D1000 khi không có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An, không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế, không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch chi tiết…

Ngay sau đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có văn bản số 11-BC/BNCTU.P2 báo cáo kết quả xác minh phản ánh Công ty CP Cấp nước Nghệ An thi công công trình khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật từ thông tin đăng tải trên báo chí. Báo cáo nêu rõ, tại hồ sơ pháp lý đối với công trình nâng cấp đường ống cấp nước sạch của Công ty CP Cấp nước Nghệ An thể hiện thay thế đường ống D1000 thuộc công trình xây dựng cấp I, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công phải do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công là không đúng quy định. Do đó, thông tin Báo nêu là có cơ sở.

“Vi phạm trên do Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công công trình vi phạm luật nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ để xin Cục Quản lý đường bộ II cấp giấy phép thi công công trình nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc một công trình xây dựng thi công gấp rút, ngày đêm trên địa bàn thị trấn Hưng Nguyên trong thời gian dài nhưng UBND huyện với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn không kiểm tra hồ sơ pháp lý về xây dựng của Công ty CP Cấp nước Nghệ An để phát hiện vi phạm mà biện luận cho rằng công trình đã được Cục QLĐB II cấp phép thi công là chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý.

Vụ việc có nhiều thông tin dư luận phản ánh nhưng các cơ quan chức năng thuộc UBND tỉnh chưa vào cuộc quyết liệt để chủ động phát hiện nhằm ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời để đến khi công trình đã được chủ đầu tư thi công cơ bản hoàn thành mới tiến hành kiểm tra là quá chậm”, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định.

Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang bất chấp đạo đức kinh doanh để có thể tối đa hoá lợi nhuận. Và cuối cùng, người dân Nghệ An đang là nạn nhân của những sai phạm này.

Cần nói thêm, tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 quy định các công ty cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn khi thực hiện chuyển đổi sở hữu thoái vốn, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ nhằm đảm bảo an toàn an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An, sau quá trình cổ phần hóa Nhà nước hiện chỉ nắm giữ 38% vốn điều lệ, đẩy việc quản lý, nắm vận mệnh doanh nghiệp, an toàn nguồn nước cho tư nhân.

Người dân địa phương đang mong chờ sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền tỉnh Nghệ An nhằm đảm bảo sự công bằng, quyền lợi chính đáng cho người dân.

Minh Quân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang