Phát hiện tác hại vô cùng lớn của các loại thuốc 'giảm đau'
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng sử dụng thuốc giảm đau nhiều làm tăng nguy cơ suy tim. Ảnh minh họa
Mới đây, theo một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Italy, Anh và Hà Lan đăng tải trên tạp chí y học BMJ, các loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến hầu khắp trên thế giới đều có liên quan tới nguy cơ làm gia tăng các ca nhập viện vì suy tim.
Các loại dược phẩm giảm đau nói trên được gọi là thuốc chống viêm không chứa chất steroid (NSAID), trong đó có một số thuốc chứa chất ức chế COX-2. Rất nhiều loại trong số này chủ yếu được sử dụng để giảm đau và chống viêm, song một vài loại được bào chế và sản xuất cách đây hơn một thế kỷ sau khi trải qua các cuộc kiểm tra độ an toàn ở mức rất nhỏ.
Thông qua các số liệu thu thập được từ gần 10 triệu người sử dụng 27 loại NSAID khác nhau tại bốn quốc gia gồm Đức, Anh, Hà Lan và Italy, cũng như dựa trên kết quả phân tích 92.163 ca nhập viện vì mắc chứng suy tim, các nhà khoa học đã chỉ ra được mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng NSAID và chứng suy tim.
Theo đó, việc sử dụng NSAID ở mức độ vừa phải như hiện nay làm gia tăng nguy cơ các ca nhập viện vì suy tim nhiều hơn so với việc sử dụng chín loại thuốc khác trong quá khứ, bao gồm gồm Diclofenac, Ibuprofen, Indomethacin, Ketorolac, Naproxen, Nimesulide, Piroxicam cùng hai loại chứa chất ức chế COX-2 là Etoricoxib và Rofecoxib, song Diclofenac là loại thuốc mà Hiệp hội Tim mạch châu Âu khuyến cáo không nên kê đơn trong bất kỳ trường hợp nào.
Trong khi đó, nếu sử dụng NSAID liều cao thì sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ người bệnh nhập viện vì suy tim.
Hiện nay, tỉ lệ người dùng thuốc giảm đau NSAID rất cao, có hơn 42% bệnh nhân sống sót sau đợt nhồi máu đã sử dụng ít nhất một loại NSAID. Các thuốc thường dùng nhất trong nghiên cứu này là Ibuprofen, Diclofenac, Rofecoxib và Celecoxib.
Như vậy, ngoài tác dụng xấu gây loét dạ dày, các thuốc giảm đau không phải steroide vốn được dùng rất rộng rãi có những nguy hiểm lớn đối với hệ tim mạch, nhất là bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và đặc biệt những người từng có đợt nhồi máu cơ tim.
Ngay cả những người dù chưa có cơn nhồi máu cơ tim nhưng có những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (tuổi cao, nam giới, hút thuốc lá, mỡ máu cao, thừa cân/béo phì, ít vận động thể lực, đái tháo đường và gia đình có nhiều người mắc bệnh mạch vành) cũng phải đặc biệt lưu ý.
Theo GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tim mạch tích lũy ngày một nhiều. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, bệnh nhân lý tăng huyết áp và liên quan đến tim mạch đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người từ 25 tuổi trở lên chiếm 25,1%. Theo dự báo của Hội tim mạch, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
Theo TS.BS Lê Minh Khôi, Chuyên khoa tim mạch cho biết, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phần lớn là những người cao tuổi, thường có kèm các bệnh khác gây đau như bệnh khớp. Chính vì vậy những bệnh nhân bệnh tim, kể cả những người từng bị nhồi máu cơ tim hay được kê đơn thuốc giảm đau, trong đó thông dụng nhất là các thuốc chống viêm giảm đau.
Tuy nhiên, đây là thuốc dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
TS.BS Khôi cho biết thêm, từ lâu người ta đã biết các thuốc NSAID ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân mắc bệnh tim. Một số bằng chứng còn cho thấy các thuốc này cũng có hại với người khỏe mạnh không chỉ liên quan đến vấn đề tiêu hóa (loét dạ dày) mà còn có thể tác động không tốt đến hệ tim mạch. Chính vì vậy, các hướng dẫn thực hành lâm sàng trên thế giới đều khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc giảm đau này ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tim.
Bác sĩ Khôi khuyên các bệnh nhân rằng, trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải dùng, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn nhất có thể được. Chính vì vậy các thầy thuốc vẫn chấp nhận kê đơn thuốc giảm đau NSAID cho bệnh nhân với suy nghĩ sẽ không gây hại gì vì chỉ dùng trong thời gian ngắn. Nhưng quan niệm này cần thay đổi triệt để.
Đức Mậu (T/h)