Phát hiện và xử phạt doanh nghiệp kinh doanh cà phê bột giả mạo thương hiệu

author 15:42 09/02/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Cần Thơ vừa chuyển hồ sơ vụ kinh doanh hàng hóa là cà phê bột có dấu hiệu giả mạo thương hiệu sang cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ đề nghị khởi tố vụ án.

Được biết, Đội cơ động, chống hàng giả thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ đã nhận được Đơn tố cáo của cơ sở sản xuất cà phê Tuấn Kiệt có địa chỉ tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trong đơn, cơ sở này tố cáo bà NTM (địa chỉ 132, D13, khu dân cư Hồng Loan, khu vực 5, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã làm giả nhãn hàng hóa bao bì cà phê Tuấn Kiệt.

Cụ thể, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Cần Thơ và Cảnh sát khu vực, Công an phường tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà N.T.M, phát hiện và thu giữ 1.365 gói cà phê bột mang nhãn hiệu Tuấn Kiệt, loại gói 500gr được đựng trong 17 bao nilon.

 Đề nghị khởi tố vụ giả mạo thương hiệu cà phê bột Tuấn Kiệt tại Cần Thơ

 

Qua đấu tranh, xác minh làm rõ, xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm làm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP Cần Thơ đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây, thực tế, các sản phẩm này chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá về chất lượng, mức độ an toàn thực phẩm. Những sản phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng. Hơn nữa, những sản phẩm giả mạo sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm chân chính.

Theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự.

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể. Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất; nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả; với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu: Buộc tiêu hủy hoặc phân phối, đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này;

Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 10 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này.

Bảo Linh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang