Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng

author 07:34 15/09/2019

(VietQ.vn) - Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng… là chủ trương phát triển bền vững trong ngân hàng.

Sự kiện: Kinh doanh

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của thời đại, là chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, đem lại lợi ích về kinh tế và uy tín lâu dài cho nhà đầu tư có trách nhiệm, đồng thời là chiến lược phát triển của đất nước.

Đại diện BIDV đưa ra 3 kiến nghị phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể, thứ nhất là phát triển tín dụng xanh, tài trợ các dự án thân thiện môi trường. Chính phủ xem xét xây dựng các chương trình, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi ủy thác qua các Tổ chức tín dụng (tương tự quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa), nhằm khuyến khích tài trợ các dự án xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) 

Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét có chính sách định hướng các tổ chức tín dụng về chính sách ứng xử đối với các dự án ảnh hưởng tới môi trường xã hội như tăng lãi suất cho vay hoặc hạn chế cho vay.

Thứ hai, tăng cường quản lý rủi ro môi trường xã hội. Chính phủ, các Bộ ban ngành cần rà soát, nâng cao điều kiện cấp phép các dự án có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến xã hội, quản lý chặt chẽ việc cấp phép đánh giá tác động môi trường, có chính sách ưu đãi về thuế đối với những dự án thân thiện môi trường, đánh thuế cao đối với các dự án gây ô nhiễm môi trường, thu phí xả thải.

Chính quyền địa phương cần chủ động rà soát các nhà máy, dự án nằm trong khu vực dân cư, khu du lịch ven biển để có kế hoạch di dời; hạn chế cấp phép đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Tích cực tuyên truyền cho doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ ba, quản trị phát triển bền vững. Hiện tại, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015, có quy định, các doanh nghiệp niêm yết cung cấp Báo cáo đánh giá liên quan đến trách nhiệm về môi trường và xã hội của công ty trong báo cáo thường niên.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang