Phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường

author 06:16 24/04/2021

(VietQ.vn) - Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm: phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; cân bằng giữa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Phát triển ngành lâm nghiệp có trách nhiệm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Việt Nam phải phát triển ngành lâm nghiệp có trách nhiệm 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, ngành Lâm nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn; năm 2020 tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng 42%, cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt trên 13 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á. Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành, là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp cũng đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế; tình trạng tranh chấp đất đai, vi phạm các qui định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương; diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng còn hạn chế, năng suất rừng trồng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chủ yếu gỗ nhỏ, chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ NNPTNT đã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu, định hướng phát triển, giải pháp nhằm: Phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng; quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước; nâng cao chất lượng rừng trồng...

Chiến lược này, cùng với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn là những văn bản quan trọng tạo hành hang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực Lâm nghiệp trong giai đoạn tới.

Nhấn mạnh Việt Nam phải phát triển ngành lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ đeo đuổi mục đích về kinh tế mà còn cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề quan trọng đối với lâm nghiệp hiện nay là phải bảo tồn và phát triển. Trong đó, làm thế nào để phát triển nhưng không ảnh hưởng đến bảo tồn và bảo tồn nhưng không phải đóng cửa để vẫn có thể phát triển..

Xã hội hóa nguồn lực thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025"

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, nhằm mục đích vừa cung cấp gỗ và nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, vừa phòng hộ, bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đề án sẽ tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng chung tay, góp sức, đồng lòng thực hiện với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh"; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược.

Triển khai trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, các địa phương cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho phát triển rừng và trồng cây xanh, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để xác định các khu vực ưu tiên trồng cây; dành quỹ đất đủ lớn, ổn định, lâu dài, đúng mục đích cho phát triển cây xanh; Bố trí ngân sách địa phương, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia, chung tay đóng góp; chủ động chuẩn bị cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật để triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh hiệu quả, chất lượng.

Đề án trồng 1 tỷ cây xanh được thực hiện sẽ làm tăng khả năng phòng hộ của rừng và cây xanh, góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do bão lũ và thiên tai gây ra, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để Đề án trở thành hiện thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phải xã hội hóa nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực để Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" trở thành ý thức tự nguyện của người dân và cộng đồng.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang