Phát triển máy bay điện, cuộc đua đã 'nóng'

author 09:05 02/01/2018

(VietQ.vn) - Những ngày cuối năm 2017, giới công nghệ và môi trường đã nhắc nhiều tới cụm từ 'Cuộc đua' dành cho giới công nghệ hàng không, trong đó rất ưu ái đề cập tới sự phát triển của máy bay điện.

"Cuộc đua vì máy bay điện đã bắt đầu", đó là thông tin mới được tờ Le Figaro (Pháp) sử dụng trong một số bài viết đăng tải mới đây. Điểm đáng chú ý trong cuộc đua mới này là sự tham gia của đông đảo công ty khởi nghiệp, rất ít tên tuổi, với tỉ lệ 46% trong tổng cộng 70 chương trình máy bay điện trên thế giới.

Theo thông tin từ Nhịp cầu Đầu tư, Le Figaro đặt câu hỏi: Liệu một ngày nào đó các công ty nhỏ, như Lilium, Volocopter, Zunum Aero, Aurora Flight… sẽ vượt mặt các đại gia Airbus, Boeing, Embraer hay Bombardier? Vấn đề được nêu ra hoàn toàn không phải là nhằm để tuyên truyền, bởi trên thực tế nền công nghệ hàng không đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.

Hồi tháng 9/2017 vừa qua, công ty Volocopter của Đức đã gây ấn tượng mạnh khi thành công trong cuộc thử nghiệm chiếc tắc-xi bay đầu tiên, tại Dubai. Phi cơ điện mini 2X hoạt động độc lập trong vòng nửa giờ, với tốc độ 100km/giờ.

Hãng Zunum (được tài trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm của Boeing và JetBlue Airways) cho biết đã chế tạo và lắp đặt thành công máy bay điện. Zunum sẽ sử dụng các loại pin điện của Tesla và Panasonic cho động cơ điện. Một động cơ sử dụng nhiên liệu bổ sung và một máy phát điện cũng được trang bị cho chiếc máy bay để đảm bảo nó không bị rơi ngay cả khi hết pin. Quãng đường bay được dự tính là hơn 1.000km, tốc độ bay 550km/h và đạt độ cao 7.600m trên mặt nước biển.

Đi cùng với sự phát triển của công nghệ, hãng hy vọng có thể sản xuất chiếc máy bay chở được 50 người và quãng đường bay hơn 1.600km trong 10 năm tới. Chiếc máy bay dự tính sẽ có một người lái nhưng hãng cũng đang hướng tới thiết kế điều khiển từ xa. Nhờ vào những tiến bộ công nghệ, giá vé máy bay dự tính sẽ khá rẻ, chỉ 5 cent/km/chỗ ngồi. Các loại pin hiện giờ chỉ cho phép máy bay di chuyển được 1.600km nên thiết kế sẽ kèm theo một động cơ xăng để tạo ra điện cho quãng đường mở rộng.

 Mô hình máy bay chạy điện kết hợp E-Fan X. Ảnh VnEconomy

 

Trong buổi họp báo thông tin về dự án hợp tác phát triển động cơ máy bay chạy điện kết hợp (hydrid) giữa Siemens, Airbus và Rolls-Royce (E-Fan X) hôm 28/11/2017, Giám đốc công nghệ của Airbus Paul Eremenko chiết: "Chúng tôi cho rằng động cơ chạy điện kết hợp là một công nghệ không thể thiếu trong lương lai của ngành hàng không".

Dự án E-Fan X đặt mục tiêu thay thế một trong 4 động cơ turbin khí trên máy bay chặng ngắn bằng động cơ chạy điện kết hợp và dự kiến bay thử nghiệm vào năm 2020.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 27/9/2017 đưa tin, hãng hàng không giá rẻ EasyJet (Anh) cũng thông báo sẽ hợp tác với công ty khởi nghiệp Wright Electric (Mỹ) để phát triển máy bay vận hành bằng động cơ điện. Hãng này đặt mục tiêu thay thế các máy bay truyền thống bằng các máy bay điện trong các chặng bay ngắn trong vòng 10-20 năm tới.

Giám đốc điều hành của EasyJet bà Carolyn McCall tin rằng máy bay điện có tầm bay tương đương với sức chở 220 hành khách sẽ cất cánh trong tương lai. Trước mắt, EasyJet sẽ phát triển máy bay điện chặng ngắn có sức chở ít nhất 120 hành khách trong 10 năm tới.

Điều này có nghĩa là EasyJet sẽ sử dụng máy bay điện cho các chặng bay phổ biến từ London đến các thành phố ở châu Âu như Paris, Brussels, Amsterdam, Cologne, Glasgow và Edinburgh. Lượng khách bay chặng ngắn chiếm 20% tổng số hành khách của EasyJet.

Bà Carolyn McCall nói: “Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn với Wright Electric về một ngành công nghiệp hàng không bền vững hơn. Như chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra trong ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hàng không sẽ hướng đến công nghệ động cơ điện để giảm tác động đến môi trường”.

EasyJet cho rằng công nghệ mới này sẽ giúp cắt giảm mạnh lượng nhiên liệu và lượng khí thải của máy bay đồng thời giúp máy bay hoạt động êm hơn. Wright Electric khẳng định máy bay điện sẽ giảm 50% độ ồn và các hãng hàng không giúp giảm 10% chi phí vận hành.

 Mẫu máy bay X-57 sử dụng mới 14 động cơ điện của NASA. Ảnh Vietnamnet

Trước đó, vào nữa cuối tháng 6/2016, NASA công bố kế hoạch chế tạo một chiếc máy bay chạy bằng điện với tham vọng tiến tới thay thế loại máy bay truyền thống vốn đang rất ồn ào, tốn kém và ô nhiễm môi trường. Theo đó, hãng này triển khai mẫu máy bay X-57 sử dụng mới 14 động cơ điện, tất cả đều được tích hợp vào cánh hai bên, đồng thời đưa công nghệ đẩy "Maxwell" mới lên chiếc máy bay này.

"Maxwell" sẽ được cấp năng lượng hoàn toàn bằng pin nên không tạo ra khí thải. Do không dùng nhiên liệu nên thời gian chuẩn bị cho chuyến bay của X-57 sẽ nhanh hơn nhiều, giúp giảm đáng kể chi phí hoạt động - mà theo tính toán có thể lên tới 40%.

Phía Trung Quốc cũng đang có nhiều động thái để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không, đặc biệt là với máy bay điện. Báo Giao Thông dẫn lời ông Zou Haining, Phó giám đốc Học viện Hàng không Liêu Ninh cho biết: “Trung Quốc chuẩn bị tiếp tục nghiên cứu và phát triển máy bay điện 4 chỗ sớm nhất trên nền tảng máy bay 2 chỗ chạy bằng điện vừa thực hiện cuộc thử nghiệm đầu tiên thành công”.

Máy bay điện 2 chỗ ngồi: Bước đột phá mới của ngành hàng không?(VietQ.vn) - Một chiếc máy bay chạy bằng điện, với thiết kế hình quả trứng có 2 chỗ ngồi được nhóm sinh viên Đức chế tạo đã có thể cất cánh ngay tại vườn.

“Chúng tôi tin nhu cầu đối với máy bay điện có tải trọng và thời gian bay dài hơn sẽ rất lớn và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển khả năng hoạt động của máy bay điện” - ông Zou Haining nói.

Năm 2014, chiếc máy bay đầu tiên 2 chỗ RX1E được trưng bày tại Zhuhai, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Sau đó, Trung Quốc ra mắt một phiên bản 2 chỗ tiên tiến RX1E-A với thời gian bay khoảng 2 tiếng. Với tải trọng tối đa 600kg và thời gian hành trình tới 160km/h, RX1E-A có thể bay trong 130 phút bắt đầu từ lúc pin được sạc đầy. Ông Xiang Song, nhà thiết kế của RX1E-A nhận định, mỗi giờ bay sẽ chỉ tốn khoảng 10 nhân dân tệ (tương đương 34.000 VND) chi phí năng lượng.

Sức ép đang ngày càng gia tăng đòi hỏi ngành hàng không cải tiến để có hệ thống động cơ sạch hơn cho môi trường. Ngành hàng không hiện đang chiếm tới 2% tổng số khí thải cácbon do con người thải vào môi trường, nhưng có thể tỷ lệ này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050 vì nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh.

Số lượng hành khách đi bằng đường hàng không dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Máy bay điện tương lai sẽ giúp giảm tiếng ồn, khí thải ô nhiễm môi trường và giá thành giảm hơn đang thực sự hâm 'nóng' cho 'cuộc đua phát triển loại hình này.

Khuất Nguyên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang