Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất

author 11:22 12/12/2023

(VietQ.vn) - Từ trước tới nay, xã hội và doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề năng suất, cũng có nhiều cơ sở nghiên cứu, tư vấn đã triển khai nghiên cứu về năng suất để ứng dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đây là lần đầu tiên đưa năng suất trở thành một môn học.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, tại chuyên đề 3 - Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất, PGS. TS Phạm Minh Sơn – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng trong mọi chiến lược phát triển của các quốc gia. Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ có nêu các yêu cầu và mục tiêu: thứ nhất, xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về năng suất trong khối sinh viên các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 PGS. TS Phạm Minh Sơn – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 3.

Thứ hai, tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo thực hành, mô phỏng về cải tiến năng suất;

Thứ ba, tổ chức các chương trình, khóa đào tạo về giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Thứ tư, đến năm 2025 hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đến năm 2030 là tại ít nhất 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Quyết định 1322/2020/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra mục tiêu cả nước có 1.000 chuyên gia năng suất được cấp chứng chỉ, trong đó có 200 người được cấp chứng chỉ quốc tế.

Ông Mohamad Muzaffar Abdul Hamid – Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển Năng suất Malaysia, chuyên gia APO chia sẻ về giáo dục năng suất cho giới trẻ tại Hội thảo. 

Cũng theo PGS. TS Phạm Minh Sơn, đây đều là những mục tiêu và yêu cầu rất mới đối với Việt Nam. Từ trước tới nay, xã hội và doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề năng suất, cũng có nhiều cơ sở nghiên cứu, tư vấn đã triển khai nghiên cứu về năng suất để ứng dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đây là lần đầu tiên chúng ta đưa năng suất trở thành một môn học. Cũng lần đầu tiên chúng ta tổ chức cho các em sinh viên trực tiếp tham gia sâu hơn vào việc tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành cải tiến năng suất thông qua hình thức câu lạc bộ.

Chuyên đề 3 với chủ đề: Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất.

Lý do đằng sau những mục tiêu và biện pháp nêu trên nằm ở chỗ sau nhiều năm làm năng suất ở doanh nghiệp, chúng ta nhận ra rằng để cải tiến năng suất trở thành nhu cầu thường xuyên, thói quen của người lao động cần thiết phải hình thành nền tảng tư duy, và quan trọng hơn là văn hóa năng suất. Do đó, nó phải được bắt đầu từ khi còn nhỏ, từ ngay trong từng gia đình. Vì vậy, cần thiết phải đưa năng suất vào cơ sở giáo dục, đào tạo. Chúng ta hy vọng rằng sau một vài thế hệ, làm việc có năng suất sẽ trở thành tư duy thường trực của mỗi cá nhân.

“Đến nay chúng ta đã có kết quả cụ thể như việc xây dựng học phần năng suất trong một số trường đại học, đã thành lập Câu lạc bộ năng suất sinh viên đầu tiên (tại Học viện Báo chí Tuyên truyền), đã tổ chức được các buổi tọa đàm về năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo cho khoảng 20 cơ sở đào tạo trong cả nước, tổ chức 10 khóa đào tạo trực tuyến về các công cụ năng suất cho sinh viên, thu hút sự tham gia của khoảng 10 nghìn lượt người tham dự.

Đã xây dựng được tiêu chuẩn quốc gia về chuyên gia năng suất, cấp chứng chỉ chuyên gia năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á. Đây là kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải làm rất nhiều việc trong những năm tới”, PGS. TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự. 

Hội thảo là cơ hội tốt để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về hoạt động đưa năng suất vào các cơ sở giáo dục, đào tạo, vấn đề năng suất cho thanh niên, về hệ thống chứng nhận chuyên gia năng suất.

Cũng tại hội thảo chuyên đề 3, các đại biểu đã có bài tham luận liên quan đến Đào tạo quản lý năng suất và chất lượng cho sinh viên các trường đại học ngành kinh tế và quản trị kinh doanh do PGS. TS Vũ Hoàng Nam, Trường Đại học Ngoại thương trình bày; Chia sẻ về giáo dục năng suất cho giới trẻ do ông Mohamad Muzaffar Abdul Hamid – Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển Năng suất Malaysia, chuyên gia APO chia sẻ; Chương trình Chứng nhận chuyên gia năng suất do ông Đào Cảnh Tùng, phụ trách Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất của Việt Nam – ViProCB trình bày.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã có phần trao đổi, thảo luận, giải đáp tháo gỡ thắc mắc, khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang