Phát triển rừng ngập mặn - 'chìa khóa' cho mục tiêu Net Zero tới 2050

author 22:07 14/03/2025

(VietQ.vn) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thì việc phát triển rừng ngập mặn là một giải pháp có khả thi.

Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, tái sinh rừng ngập mặn có thể trở thành một giải pháp nhằm đạt được đồng thời cả mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình Việt Nam thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết với quốc tế về biến đổi khí hậu.

Nhận thức rõ rừng ngập mặn là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, đặc biệt là tại các địa phương có rừng, Việt Nam luôn đề cao vai trò, giá trị của rừng ngập mặn và không ngừng tăng cường chính sách quản lý rừng. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đề án đặt mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030; phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng mới khoảng 20.000 ha rừng, đồng thời bổ sung phục hồi rừng và làm giàu 15.000ha.

Những nỗ lực bảo vệ, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển tại Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện Việt Nam sở hữu khoảng 200.000 ha rừng ngập mặn, phân bổ tại 28 tỉnh thành ven biển, trong đó 97% diện tích tập trung chủ yếu ở ba khu vực: phía Nam, Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau sở hữu diện tích rừng ngập mặn gần 55.000 ha, được đánh giá là một trong những khu vực rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.

Phát triển rừng ngập mặn chính là biện pháp hữu hiệu để hướng tới mục tiêu Net Zero. Ảnh minh họa

Trong đó, mỗi hecta rừng ngập mặn có thể lưu trữ trung bình 245 tấn carbon. Cấu trúc lưu trữ carbon trong rừng ngập mặn có đặc điểm độc đáo: 71% lượng carbon được tích trữ trong tầng đất dưới tán rừng ở độ sâu khoảng 30cm, trong khi 29% còn lại nằm trong sinh khối thực vật.

Kết quả khảo sát tại các địa phương điển hình cho thấy lượng carbon tích trữ rất ấn tượng: Tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 15,7 triệu tấn, Cà Mau 12,7 triệu tấn và Quảng Ninh khoảng 3 triệu tấn. Theo số liệu cập nhật đến tháng 06/2024, khả năng giảm phát thải từ các dự án rừng ngập mặn đã đạt hơn 1,1 triệu tấn CO₂, vượt xa mục tiêu ban đầu là 565.000 tấn. Tổng trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng Việt Nam ước tính khoảng 612 triệu tấn, trong đó rừng ngập mặn đóng góp khoảng 8,7 triệu tấn, chiếm 1,4% tổng lượng carbon tích trữ trong các hệ sinh thái rừng.

Hiện nay, rừng ngập mặn Việt Nam chủ yếu gồm 15 loài cây phổ biến như đước, bần, mắm, vẹt, dừa nước và các loài khác. Mỗi khu vực rừng có thể là rừng thuần loài hoặc hỗn giao, với thành phần loài tương đối đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đo đạc và tính toán trữ lượng carbon.

Giá trị kinh tế từ rừng ngập mặn của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định rõ nét. Theo nghiên cứu của ISPONRE và DCVFM, tổng giá trị kinh tế của rừng ngập mặn Việt Nam ước tính đạt 1,74 ngàn tỷ đồng (tương đương 70,83 triệu USD) mỗi năm. Trong đó, giá trị sử dụng trực tiếp vượt quá 1,08 ngàn tỷ đồng/năm, còn giá trị sử dụng gián tiếp đóng góp 656,1 tỷ đồng/năm.

Về tiềm năng tín chỉ carbon, thị trường này đã tăng trưởng 164% trên toàn cầu trong năm 2021 và dự kiến sẽ đạt giá trị 50-100 tỷ USD vào năm 2030. Theo dự báo của NatureCo, trong 30 năm tới, Việt Nam có thể tạo ra tổng cộng gần 400 triệu tín chỉ carbon, bao gồm: 31,2 triệu tín chỉ từ trồng rừng mới, 124,2 triệu tín chỉ từ hoạt động nông lâm kết hợp, 99,1 triệu tín chỉ từ chống mất rừng, 164,5 triệu tín chỉ từ cải thiện quản lý rừng. Riêng đối với rừng ngập mặn, hoạt động bảo vệ có thể tạo ra 4,7 triệu tín chỉ và phục hồi rừng đóng góp 2,8 triệu tín chỉ.

Mặc dù tiềm năng cao tín chỉ carbon của rừng ngập mặn tại Việt Nam cao nhưng thực tế thị trường còn mới. Do đó tại Việt Nam muốn khai thác tiềm năng cần hoàn thiện cơ sở pháp hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách có tính chiến lược, mang tính hiệu quả để các doanh nghiệp, các bên liên quan có thể dễ dàng tiếp cận thị trường này. Đồng thời, cần nghiên cứu và thu thập số liệu, thẩm định kiểm chứng các chi phí và lợi ích liên quan đến thể chế, xã hội và môi trường mà tín chỉ carbon rừng mang lại.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa dẫn đến hiện trạng hệ sinh thái thay đổi như giảm diện tích rừng và thành phần đa dạng các loài. Ngoài ra, sạt lở, nhiễm mặn, các hoạt động từ thượng nguồn sông Mekong như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn. Do đó, cần quản lý rừng bền vững tiếp đến nâng cao tuyên truyền cho người dân về tín chỉ carbon.

Ngoài ra, để tận dụng tiềm năng của rừng ngập mặn, Chính phủ đã quyết định thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028. UNDP cũng đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn. Kể từ năm 2017, tổ chức này hỗ trợ trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn và có kế hoạch trồng thêm 1.000 ha trong những năm tới. Thông qua sáng kiến Lời hứa khí hậu (Climate Promise), UNDP đang hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu carbon rừng ngập mặn ven biển, làm đầu vào quan trọng cho các chính sách về bảo tồn và ứng phó với khí hậu. 

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12509-2:2018 về rừng trồng - Rừng sau thời gian kiến thiết cơ bản- Phần 2: Nhóm loài cây sinh trưởng chậm

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật đủ điều kiện thành rừng sau thời gian kiến thiết cơ bản đối với rừng trồng nhóm loài cây sinh trưởng chậm. 

Yêu cầu của rừng sau thời gian kiến thiết cơ bản được quy định: Về chỉ tiêu diện tích yêu cầu liền vùng tối thiểu là 0,3 ha; tỷ lệ cây sống so với mật độ trồng rừng lớn hơn hoặc bằng 75%; độ tàn che lớn hơn hoặc bằng 0,3 với rừng trồng cây lá rộng và lớn hơn hoặc bằng 0,1 với rừng trồng cây lá kim; Đường kính gốc bình quân lớn hơn hoặc bằng 3.0cm...

Chiều cao vút ngọn bình lớn hơn hoặc bằng 2.0cm; phẩm chất cây  tốt và trung bình chiều tối thiểu 75% tổng số cây điều tra; Tỷ lệ cây bị sâu, bệnh hại nặng nhỏ hơn 25% tổng số cây điều tra; Tổng diện tích các đám trống trong rừng nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 mét vuông/ha

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang