Phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

author 21:12 06/01/2025

(VietQ.vn) - Cuối năm là cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, tất niên… và hệ quả là lượng rượu bia tiêu thụ gia tăng đột biến. Dù đã được cảnh báo qua rất nhiều năm, thế nhưng số ca nhập viện vì ngộ độc rượu bia đều tăng cao vào thời điểm này.

Mới đây, bệnh nhân Đ.T.T. (41 tuổi, trú tại Thành phố Vinh) vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tại đây các bác sĩ đã xử trí cấp cứu và giúp bệnh nhân có lại mạch, rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để tiếp tục chữa trị. Bệnh nhân được nhanh chóng tiến hành cấp cứu thở máy, lọc máu, tuy nhiên, do tình trạng quá nặng nên đã tử vong.

Một trường hợp khác là bệnh nhân L.X.Đ. (48 tuổi, trú tại Thành phố Vinh, cùng uống rượu với bệnh nhân Đ.T.T.) nhập viện với triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Qua xét nghiệm Methanol trong máu cho kết quả 63,85 mg/100ml. Các bác sĩ Khoa Chống độc đã tiến hành lọc máu một lần, đến ngày 1/12/2024 thì bệnh nhân tỉnh, nhìn mờ và xin ra viện.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân bị ngộ độc rượu và rượu chứa Methanol. 1/3 trong số đó bị biến chứng nặng. Đáng chú ý, các bác sĩ cho hay, thông thường, tình trạng ngộ độc liên quan đến rượu vào dịp Tết thường tăng từ 3 - 4 lần với ngày thường.

Thông thường nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao trong mùa hè, trước và sau Tết Nguyên đán bởi lúc này thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, xâm nhập đồ ăn, thức uống. Nhất là thời điểm đầu xuân năm mới, nhiều cơ quan, đơn vị, gia đình,… thường tổ chức các chuyến tham quan, du lịch, dã ngoại. Khi du xuân trẩy hội,... đa số mọi người có tâm lý muốn trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của vùng, miền nơi đến. Thế nhưng, đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khi du khách thưởng thức, trải nghiệm ẩm thực tại các điểm đến.

Thêm vào đó, thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra ngộ độc. Những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là vi khuẩn tả, E.coli, Campylobacter,... Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn như buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Tùy từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của triệu chứng phụ thuộc vào chủng vi khuẩn gây ngộ độc.

Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, để quản lý an toàn thực phẩm, giảm các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, việc phối hợp giữa các bộ, ngành như Y tế, Nông nghiệp, Công Thương cùng các cơ quan địa phương và các tổ chức xã hội là rất cần thiết để đảm bảo sự liên kết trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa).

Việc phối hợp giữa các cơ quan có thể giúp tối ưu hóa nguồn lực trong công tác kiểm tra, giám sát, tránh sự trùng lặp và thiếu sót trong các hoạt động thanh tra. Khi các cơ quan phối hợp hiệu quả, quy trình kiểm tra có thể diễn ra nhanh chóng, đồng bộ, đồng thời đảm bảo xử lý vi phạm kịp thời và nghiêm minh.

Phối hợp liên ngành không chỉ dừng lại ở hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm mà còn cần bao gồm công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân. Các cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức xã hội và cộng đồng sẽ là những đối tác quan trọng trong việc truyền tải thông tin về an toàn thực phẩm đến với mọi tầng lớp người dân.

Khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, các địa phương, cơ sở y tế và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng giúp xử lý kịp thời các vụ việc, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Phối hợp liên ngành còn giúp cải thiện hệ thống cảnh báo, đảm bảo thông tin được truyền tải nhanh chóng tới cộng đồng để phòng tránh các vụ ngộ độc tiếp theo.

Ở cấp trung ương, các cơ quan chủ chốt như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đều có vai trò quan trọng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Các bộ sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chính sách pháp lý, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, đào tạo, cũng như triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Các ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong điều phối hoạt động các cơ quan liên quan và giám sát việc thực thi biện pháp quản lý.

Cũng theo cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm. Các đoàn sẽ tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội, đặc biệt là những thực phẩm có yếu tố nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, bánh mứt, kẹo, rượu bia và nước giải khát.

 Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang