Phòng tránh rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết Nguyên đán

author 16:10 12/02/2024

(VietQ.vn) - Việc nạp nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thời gian ngắn như dịp Tết thường khiến hệ tiêu hóa bị quá tải. Trường hợp nhẹ sẽ khiến người bệnh thấy chán ăn, cảm giác khó chịu, trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng có thể gây tiêu chảy, suy nhược cơ thể.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trong những ngày Tết, thời gian sinh hoạt bị thay đổi, các bữa ăn trở nên đa dạng hơn, chế độ dinh dưỡng cũng khác biệt hơn so với ngày thường. Mỗi gia đình đều tổ chức các bữa liên hoan ăn uống với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đặc trưng chung của các món ăn trong dịp Tết là thường chứa nhiều chất đạm, chất béo và đường (như thịt, bánh kẹo…) nhưng lại rất ít rau xanh và trái cây tươi.

Việc ăn quá nhiều có thể tạo áp lực lớn lên cơ thắt thực quản, dẫn đến tình trạng trào ngược. Thêm vào đó, lượng thức ăn lớn có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, gây ra các vấn đề như đầy hơi, khó tiêu, đau bụng và táo bón. Do đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là một trong những biện pháp hữu ích giúp ngăn chặn và cải thiện tình trạng hội chứng ruột kích thích. Việc tránh các thực phẩm kích thích như đồ ăn gia vị mạnh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cũng như duy trì một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh có thể mang lại lợi ích đáng kể đối với những người mắc bệnh này.

Nên ăn thực phẩm đã được nấu chín

Việc ăn các món chưa nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi, hàu sống, cá hồi sống có thể hấp dẫn vị giác nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa. Việc nấu chín thực phẩm không chỉ giúp chúng dễ tiêu hóa hơn mà còn tăng độ an toàn của thức ăn.

Không lạm dụng các chất kích thích

Việc lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas trong dịp Tết có thể làm tái phát hoặc trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản và hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, để ngăn chặn rối loạn tiêu hóa, quan trọng là cần hạn chế lượng chất kích thích, chỉ nên tiêu thụ chúng một cách hợp lý. Đặc biệt, người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh các đồ uống có gas.

Duy trì lịch trình ăn và sinh hoạt đúng giờ

Trong những ngày Tết, thói quen sinh hoạt và ăn uống thường bị thay đổi. Việc thức khuya, ăn khuya và bỏ bữa sáng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Để ngăn chặn tình trạng này, nên cố gắng duy trì lịch trình sinh hoạt và ăn uống gần giống như trong những ngày bình thường để giúp cơ thể duy trì đồng hồ sinh học và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Những biện pháp trên không chỉ giúp bạn tránh rối loạn tiêu hóa mà còn tạo điều kiện cho một mùa Tết khỏe mạnh và an lành. Hãy nhớ rằng sức khỏe bắt nguồn từ lối sống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn uống.

Việc nạp nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thời gian ngắn như dịp Tết thường khiến hệ tiêu hóa bị quá tải. Ảnh minh họa

Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi

Rau xanh và trái cây tươi đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp nhiều dưỡng chất mà cơ thể cần. Việc ăn nhiều rau quả tươi có thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ chống lại các bệnh mạn tính. Ngoài ra, việc duy trì một chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây cũng có thể giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, mỗi người nên tiêu thụ khoảng 480g - 560g rau quả mỗi ngày (tương đương từ 6 - 7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80g rau quả sống, không tính phần thải bỏ như vỏ, hạt…). Trong đó, lượng rau nên là khoảng 240g - 320g mỗi ngày và lượng trái cây chín nên là 240g mỗi ngày. Đây là cách hiệu quả để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể trong dịp Tết.

Hạn chế thức ăn quá nhiều dầu mỡ

Các món ăn chứa nhiều dầu mỡ có thể gây cảm giác đầy bụng và khó tiêu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài sau bữa ăn. Do đó, trong dịp Tết, cần hạn chế tối đa sử dụng thức ăn chứa nhiều chất béo như thực phẩm chiên nhiều lần và sử dụng nhiều dầu mỡ.

Tránh ăn thức ăn để lâu trong tủ lạnh

Trong dịp Tết, nhiều gia đình thường mua và tích trữ lượng lớn thực phẩm. Mặc dù nhiều người tin rằng việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh là an toàn nhưng nên lưu ý rằng với nhiệt độ trong tủ lạnh, vi khuẩn có thể giảm hoạt động nhưng không thể bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, việc lưu trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh có thể gây rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là khi sử dụng thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh rồi đem ra hâm nóng nhiều lần.

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa phụ thuộc theo nguyên nhân như chế độ ăn uống, bệnh dạ dày… Tuy nhiên, nhìn chung, rối loạn tiêu hóa có thể nhận biết qua một số dấu hiệu đau bụng. Có thể đau ở một vị trí hoặc đau lan ra khắp bụng, lan lên ngực hoặc lan ra sau lưng; Đầy bụng, khó tiêu; Buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, nấc; Táo bón hoặc tiêu chảy hoặc bất thường khác như phân có máu, phân đen...; Đi đại tiện mất kiểm soát; Ăn không ngon miệng, chán ăn; 

Chướng bụng đầy hơi hay còn gọi là đầy bụng là tình trạng thường gặp do hoạt động tiêu hóa bị rối loạn, là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Triệu chứng tiến triển từ trung bình đến nặng, đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm.

Vậy nên ngay khi có những dấu hiệu bất thường và triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm. Đầy bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số yếu tố chủ yếu gây nên tình trạng đầy bụng bao gồm: Hơi tích tụ trong dạ dày; Khó tiêu; Nhiễm trùng tiêu hóa; Tăng mức độ giữ nước trong cơ thể. Rối loạn trong các bệnh lý tiêu hóa mãn tính; Liệt dạ dày; Táo bón; Không dung nạp thực phẩm.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang