Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

author 06:28 11/11/2022

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, hiện nay tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật ngày càng diễn biến phức tạp.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về vấn đề An toàn thực phẩm (ATTP), bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Trong đó nổi bật là nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp...

Do vậy, công tác tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, Cục An toàn thực phẩm đã đặt ra yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể cần: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, ATTP.

Phức tạp tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật. Ảnh minh họa 

Các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, ATTP, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm cần nghiêm hơn nữa.

Không ngừng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc. Khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, ATTP liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, ATTP.

Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo ATTP. Có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, ATTP để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, ATTP, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, ATTP...

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP tới đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, ATTP.

Quy định về quảng cáo thực phẩm 

Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm: cần tuân thủ các quy định về Quảng cáo thực phẩm tại chương VIII của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/02/2018 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định:

Điều 26. Các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

Điều 27. Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm

Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:

1. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

2. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

3. Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

a) Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;

b) Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

Đối với cơ sở, cá nhân vi phạm về quy định về quảng cáo thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Điều 23. Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm như sau:

Điều 23. Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang