Quảng Bình: Tour du lịch 'teo tóp' và hủy hàng loạt vì 'đại nạn' cá chết

author 05:43 27/04/2016

(VietQ.vn) - Ảnh hưởng từ việc cá, tôm chết hàng loạt trong thời gian qua, với du lịch, hiện tại 25 – 30% tour du lịch tới Quảng Bình bị hủy vào dịp 30/4, 1/5.

Những ngày qua, thông tin về việc cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng đã khiến không chỉ người dân chài điêu đứng mà những hệ lụy xung quanh vẫn còn đó, đặc biệt vấn đề du lịch khi dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đang cận kề.

Trước thực trạng này, PV báo Người đưa tin đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình.

Ca chết trắng trên bãi biển miền Trung làm ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế người làm nghề ngư nghiệpCa chết trắng trên bãi biển miền Trung làm ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế người làm nghề ngư nghiệp. Ảnh TT

Ông Kỳ cho hay, nhắc tới Quảng Bình người ta vẫn nhắc tới những bãi tắm biển, đồ ăn hải sản... Nhưng việc tôm cá chết hàng loạt như thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn tới người dân nói chung, các cơ sở du lịch Quảng Bình nói riêng. Bởi lẽ, du khách tới Quảng Bình ăn hải sản, tắm biển nhưng tình trạng nước ô nhiễm, cá chết hàng loạt khiến du khách không dám tắm.

Theo thông tin PV nhận được, tại Quảng Bình, vệt cá chết kéo dài hơn 121 km bờ biển, các huyện Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy từ 6/4 đến nay đều có hiện tượng cá chết dạt vào bờ biển.

Ở vùng sông Roòn, không chỉ cá chết dọc bờ biển mà còn kéo dài dọc sông Loan lên đến xã Quảng Kim thông với cửa biển, cá và các loài thủy sinh khác cũng chết bất thường.

Trên bờ biển Quảng Đông, Vũng Chùa, ghi nhận hàng trăm cá thể cá mú loại từ 40 - 50kg vẫn trôi dạt vào bờ và chết. Người dân cũng phản ánh, bờ biển Hòn La, Vũng Chùa, Cảnh Dương có nhiều cá thể chim chết cạnh xác cá đang phân hủy, người dân nghi ngờ chúng ăn cá chết có độc nên chết theo.

Ông Kỳ cũng đánh giá tính chất hết sức “nghiêm trọng” của sự việc tôm, cá bị ngộ độc lần này.

“Ngư dân Quảng Bình đánh bắt cá không bán cho ai thì họ tiếp tục đi đánh bắt sao được? Hơn 10 ngày nay họ không có công ăn việc làm, không có thu nhập, nhưng các cơ quan chức năng chưa ai nói nguyên nhân sao và cách khắc phục như thế nào.

Đó là dân đánh bắt. Còn về phía các nhà hàng, họ không thể mua cá chết về để phục vụ du khách. Mà xưa nay, khách du lịch tới với Quảng Bình để ăn cá, tôm và nhiều thức hải sản khác. Không mua cá phục vụ du khách họ biết mua gì nên họ phải đóng cửa".

Tour du lịch đến Quảng Bình giảm 30% vì hệ lụy cá chết trắng biển miền TrungTour du lịch đến Quảng Bình giảm 30% vì hệ lụy cá chết trắng biển miền Trung. Ảnh ST

"Người dân đánh cá trên biển họ không thể ngậm cát ăn được. Họ không giống như dân miền núi còn có thể đi đào củ mài để ăn" - ông Kỳ đau xót nói.

"Tình trạng dân trên biển hết sức khó khăn và họ cần sự hỗ trợ của chính quyền để tạo công ăn việc làm và có thu nhập. Dân đã nghèo mà không có tích lũy, không đánh bắt được cá họ sẽ ra sao?”, ông Kỳ đặt câu hỏi.

Cũng theo thông tin từ phía ông Nguyễn Văn Kỳ, với du lịch, hiện tại 25 – 30% tour du lịch tới Quảng Bình bị hủy vào dịp 30/4, 1/5. Các nhà hàng bán hải sản lâu nay phục vụ du khách tới Quảng Bình giờ cũng vắng bóng không có ai tới ăn. Các nhà hàng không dám tổ chức để bán.

“Riêng du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình khuyến cáo các nhà hàng chuyển đổi đầu vào đối với thực phẩm về cá nuôi lồng, cá sông... đảm bảo an toàn phục vụ du khách

Nên chế biến các món ăn từ gà, thịt lợn, các món khác không liên quan tới biển để phục vụ du khách, không để tình trạng khách du lịch tới mà không có gì ăn, phải làm chuyển đổi nhanh để thích ứng kịp thời, đáp ứng cuộc sống và có thu nhập”, ông Kỳ nói.

Không chỉ Quảng Bình, mà ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ngành đánh bắt gần bờ và ngư dân xa bờ, ngành dịch vụ ăn uống hải sản cũng bị ảnh hưởng, hầu hết người dân trong vùng biển cá chết cũng hoang mang tột độ.

Ngày 26/4, UBND tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, Sở Y tế và UBND các địa phương có biển là Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chế biến thực phẩm, mua bán, vận chuyển hải sản trong thời gian này, phải tổ chức thu dọn và xử lý cá chết. Việc người dân thu gom cá chết để làm thức ăn cho vật nuôi cũng bị nghiêm cấm.

>> Du lịch dịp 30/4-1/5: Lo ngại ‘kỳ nghỉ Vàng’ dịch vụ 'sốt cao'

Theo NĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang