Xử lý 2 cửa hàng bày bán lượng lớn sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không có nhãn phụ

author 15:56 30/12/2022

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh hàng hóa, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh và Nam Định đã xử lý lượng lớn hàng hóa nhập lậu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đợt cao điểm cuối năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phát hiện Cửa hàng May COSMETIC ở thành phố Hạ Long đang bày bán công khai hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm nhậu lậu với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang bày 542 sản phẩm mỹ phẩm gồm son môi, phấn má, sữa tắm… và 569 sản phẩm bánh kẹo, hạt hướng dương, đồ uống… do nước ngoài sản xuất với tổng giá trị hàng hóa theo niêm yết gần 150 triệu đồng.

Đội Quản lý Thị trường số 1 tiến hành lập hồ sơ xử lý theo quy định. Chủ hộ chủ hộ kinh doanh May COSMETIC đang đối diện với tổng mức phạt trên 80 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

 Hàng nghìn sản phẩm hàng hóa nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Nam Định đã phối kết hợp với Công an phường Lộc Hòa, TP.Nam Định tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Thị Tuyết Lan, địa chỉ: Phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đang kinh doanh mặt hàng vải may mặc các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn vải may mặc các loại; toàn bộ hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn hàng hóa có cụm từ thể hiện xuất xứ hàng hóa “Made in China”. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi, vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới vấn đề kinh doanh hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 48 và khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt như sau: 

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:

Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;

Buộc thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Theo đó, đối với trường hợp hàng hóa có giá trị 15 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đến 7 triệu đồng. Trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng thì sẽ áp dụng mức phạt tiền gấp đôi.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang