Quy tắc vàng cần biết khi 'mua nhà trên giấy'

authorPhương Nam 06:25 31/07/2017

(VietQ.vn) - Mua nhà đang xây, khách cần yêu cầu doanh nghiệp trình 2 cơ sở pháp lý do Sở Xây dựng và ngân hàng phát hành.

Sự kiện: Bất động sản

Thông tin trên báo điện tử Vnexpress, Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản Him Lam, Ngô Quang Phúc chia sẻ, hiện nay pháp luật đã quy định khá nhiều cơ sở pháp lý bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai.

Trong một rừng pháp lý này, có 2 loại giấy tờ đơn giản và hiệu quả nhất là văn bản thông báo dự án đủ điều kiện bán nhà do Sở Xây dựng cấp và chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu được kiểm tra 2 loại giấy tờ được xem là chuẩn mực hiện nay. Nếu thiếu một trong 2 loại "giấy thông hành" này, khách hàng cần thận trọng khi quyết định bỏ tiền mua nhà.

Quy tắc vàng cần biết khi 'mua nhà trên giấy'

Những quy tắc vàng cần biết khi 'mua nhà trên giấy' - Ảnh minh họa.

Văn bản xác nhận dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai do Sở Xây dựng công bố có ý nghĩa dự án đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ pháp lý, đồng thời hoàn thành xong phần móng. Đây là thời điểm hợp pháp (được quy định trong luật) chủ đầu tư dự án được phép huy động vốn từ khách hàng. Sự cộng thêm về tính an toàn cho người mua là thông thường tiến độ các dự án được Sở Xây dựng công bố đủ điều kiện huy động vốn, tức là công trình chuẩn bị bước vào xây dựng phần thân.

Luật quy định, muốn bán nhà trên giấy (dự án hình thành trong tương lai) chủ đầu tư phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng và được Sở Xây dựng thông báo dự án đã đủ điều kiện

Trong khi đó, chứng thư bảo lãnh do ngân hàng cấp có ý nghĩa, nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng hẹn, tổ chức tín dụng sẽ thay chủ đầu tư bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Chứng thư bảo lãnh có 2 dạng: một là cho vay tín chấp (dựa trên đánh giá uy tín doanh nghiệp), hai là cho vay có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp). Nếu mua nhà hình thành trong tương lai, kiểm tra có chứng thư này, khách hàng có thể yên tâm pháp lý của dự án đã được các tổ chức tín dụng sàng lọc nhiều khâu chặt chẽ. Đây cũng là điều khoản đã được quy định trong luật.

Theo điều 56 của Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ năm 2015, chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu ngân hàng hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng đã ký kết.

Điều khoản này đã được áp dụng gần 2 năm qua và đã góp phần làm tăng độ minh bạch, an toàn cho dự án và tránh rủi ro cho người mua nhà. Quy định này định vị các doanh nghiệp phát triển bất động sản theo 2 hướng. Một là bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai thì phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh. Hai là nếu muốn né quy trình bảo lãnh thì doanh nghiệp buộc phải xây xong dự án mới được bán.

Ông Phúc cho biết thêm, ngoài 2 cơ sở pháp lý đơn giản và dễ dàng kiểm tra ở trên, để tránh rủi ro, nhà đầu tư, khách hàng mua nhà dự án có thể sàng lọc thông tin bằng một số phương pháp thủ công.

Chẳng hạn như tra cứu lịch sử hình thành và hoạt động của chủ đầu tư dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một cách khác cũng hiệu quả không kém là bỏ ra vài tiếng đồng hồ xuống địa bàn (khu vực dự án tọa lạc) để thực địa. Bạn hãy ngồi ở các quán xá gần dự án để nghe ngóng thông tin từ dân địa phương hoặc phỏng vấn ngẫu nhiên tại địa bàn này để nắm được những tin tức ngoài luồng so với các quảng cáo của môi giới bất động sản để có thêm cơ sở khi đưa ra quyết định đầu tư.

Trước đó, báo Pháp luật thông tin, thời gian qua bán nhà trên giấy đã trở thành trào lưu, khiến các bộ chủ quản không thể kiểm soát được số dự án, số DN. Các chính sách luôn phải "chạy theo" để quản lý loại hình này.

Rất nhiều dự án đã và đang khiến người dân sợ hãi vì chủ DN vi phạm, bán nhà trên giấy khi dự án chưa được cấp phép, chưa xây móng, vốn huy động của khách hàng, chủ đầu tư không sử dụng đúng mục đích; tiến độ dự án bị kéo dài gây bức xúc dư luận.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), thuật ngữ chuẩn xác của tình trạng mua nhà trên giấy là "mua nhà ở hình thành trong tương lai". Trong thời gian qua, không ít người dở khóc dở cười khi rơi vào tình trạng này.

Song Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, chỉ những người quá ngây ngô, không chịu tìm hiểu luật mới rơi vào tình trạng này. Bởi hiện nay, việc bán nhà trong tương lai đã được siết rất chặt, nhằm đảm bảo an toàn lợi ích cho người dân.

Theo đó, việc bán nhà ở hình thành trong tương lai phải qua hai cửa. Thứ nhất, theo điều luật quy định, trước khi bán, các đơn vị phải có giấy phép của Sở xây dựng.

Quy định này áp dụng cả cho trường hợp nhà đã hình thành rồi. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phải trình ra quyền sử dụng, các văn bản pháp lý đã được phê duyệt như văn bản xác nhận hình thành móng, tiêu chuẩn an ninh, cứu hỏa, độ cao….

Thứ hai, các đơn vị cung cấp sản phẩm phải có giấy bảo lãnh của ngân hàng. Trong trường hợp mà chủ đầu tư gặp rủi ro như mất khả năng chi trả, không đủ khả năng hoàn thành hoàn thiện đúng tiến độ,... ngân hàng sẽ là đơn vị trả tiền cho người mua.

"Vì thế, tôi khẳng định, hiện người mua nhà ở rất an toàn và chắc chắn. Điều này cũng an toàn cho các nhà đầu tư", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng khuyên người dân trước khi mua nhà nên tìm hiểu rõ luật. Bên cạnh đó, cần thiết thông qua các công ty môi giới, sàn giao dịch và kênh tham khảo người thân, bạn bè cũng là phương án tốt, tránh rủi ro.

DH (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang