Sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, đạt chứng nhận ocop tiêu thụ thuận lợi, khẳng định vị thế

author 13:48 21/12/2022

(VietQ.vn) - Theo nhận định của các chuyên gia, các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí và được chứng nhận là sản phẩm ocop luôn được người tiêu dùng đón nhận, có vị thế trên các kênh phân phối.

Sáng nay (21/12) tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT (Hà Nội) đã diễn ra khai mạc sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm ocop gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ. Sự kiện lần này đã thu hút hơn 100 gian hàng và trên 2.000 sản phẩm ocop, đặc sản vùng miền của Hà Nội, các tỉnh Nam Bộ và 29 tỉnh, thành trong cả nước.

 Khai mạc sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm ocop gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ. Ảnh N. Nam

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PT Nông thôn TP. Hà Nội, chương trình lần này là sự kiện quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp, chủ thể quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm ocop và đặc sản vùng miền trong cả nước và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

“TP. Hà Nội có 806 làng nghề và làng có nghề, trên 11 ngàn sản phẩm nông sản thực phẩm được gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế của TP. Hà Nội trong việc đánh giá phân hạng sản phẩm ocop cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm ocop. Hiện Hà Nội cũng đã có 1.649 sản phẩm ocop đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 19% sản phẩm của cả nước (8.340 sản phẩm), trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng. Năm 2022 Hà Nội đã đánh giá phân hạng trên 500 sản phẩm ocop", ông Chu Phú Mỹ cho biết.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, các sản phẩm đã được chứng nhận ocop nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân và doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người dân.

 
Nhiều người tiêu dùng cũng đã biết tới sản phẩm ocop và mặt hàng nào có nhiều sao là mặt hàng đó hợp chuẩn càng cao. Các chuẩn đó là: Sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc, vùng nguyên liệu trồng rõ ràng...", ông Lê Đức Thuận cho biết.

Trong hình: Ông Lê Văn Mạc - Người có thâm niên 60 năm làm nghề miến truyền thống đang giới thiệu về sản phẩm. Ảnh N. Nam

 

Dưới góc độ là doanh nghiệp có sản phẩm được chứng nhận ocop, ông Lê Đức Thuận- Giám đốc HTXDVSX miến dong Việt Cường cho biết, các sản phẩm ocop thường là những sản phẩm đặc trưng, truyền thống, đặc sản của các vùng miền. Miến dong là sản phẩm truyền thống của làng Việt Cường - một trong những làng có nghề truyền thống nổi tiếng. Vừa qua, miến tỏi đen Trường Thọ của Hợp tác xã đã được mang đi tham gia cuộc thi ẩm thực và đã đạt giải về món ăn đặc sắc của văn hóa bản địa.

“Khi sản phẩm đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn và được chứng nhận sản phẩm ocop, cơ sở cũng đầu tư hơn về mẫu mã, nhãn mác, nhìn bắt mắt hơn, được gắn sao trên vỏ hộp cùng với nhãn hiệu của chương trình ocop. Mỗi hạng sao được gắn lên sản phẩm là thể hiện mức độ hợp chuẩn của sản phẩm”, ông Thuận chia sẻ.

Còn ông Trần Hanh – Giám đốc Công ty sản xuất chế biến chè Thúy Vân (Thái Nguyên) cho biết, khi các sản phẩm tham gia vào chương trình ocop sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ, chứng từ, tư vấn hoàn thiện bao bì, tiêu chuẩn sản phẩm. Đến khi sản phẩm mang đi dự thi gần như đều hợp chuẩn, đủ tiêu chuẩn để đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao.

Các sản phẩm ocop luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh N. Nam

“Sau khi được chứng nhận là sản phẩm ocop, nhãn mác và vị thế của sản phẩm đã có sự thay đổi rất rõ nét. Các sản phẩm lưu thông trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng. Các sản phẩm ocop cũng được các chuỗi cung ứng như trung tâm thương mại, siêu thị đón nhận, ưu tiên xếp trên các gian hàng. Điều đó mang lại sự thuận lợi trong quá trình giao thương và lòng tin của người tiêu dùng”, ông Trần Hanh cho biết thêm.

Để sản phẩm ocop phát triển bền vững, theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PT Nông thôn TP. Hà Nội, thời gian tới cần tập trung giải quyết các vấn đề: Đẩy mạng phát triển xây dựng thương hiệu; Có quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang