Sẽ siết lại tình trạng tự in hóa đơn

author 14:22 14/10/2013

Trước thực trạng chiếm đoạt tiền ngân sách thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp ngày một diễn biến phức tạp, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 51/2010/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Cho phép doanh nghiệp tự in, hoặc đặt in hóa đơn là bước cải cách đột phá trong quản lý thuế, nhưng chính sách này đang bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền thuế, gian lận thuế, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định rằng, tình trạng một số tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt ngân sách thông qua hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoặc hợp lý hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào, hoặc không mua vào, nhằm tăng chi phí, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp diễn ra từ rất lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới xảy ra.

Kể từ ngày 1/1/2011 (Nghị định 51/2010/NĐ-CP có hiệu lực) đến nay, thay vì việc phải mua hóa đơn của cơ quan thuế như trước đây, doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện được tự in, hoặc đặt in hóa đơn để sử dụng, thì tình trạng gian lận tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp giảm hẳn.

Nhưng rất tiếc, gần đây, tình trạng này có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, trong khi chờ sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tích cực thanh, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế.

                       Ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế.

Thưa ông, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 51/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo gì để đối phó với tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp?

Bộ Tài chính có nhiều công văn chỉ đạo các cơ quan quản lý thuế phải đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để đối phó với tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Cụ thể, cục thuế các địa phương phải phân loại doanh nghiệp rủi ro cao về thuế và tăng cường công tác quản lý đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản sử dụng hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp có trụ sở tại địa phương không có nguồn nguyên liệu; doanh nghiệp mới thành lập kinh doanh đa ngành nghề nhưng số vốn đăng ký thấp; doanh nghiệp có quy mô kinh doanh bất hợp lý (quy mô kinh doanh cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu); doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ…

Đối với địa phương có đối tượng khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa là cao su tiểu điền, cà phê, hạt điều..., thì rà soát và điều chỉnh lại kế hoạch thanh, kiểm tra thuế năm 2013, đảm bảo ít nhất 60% doanh nghiệp trong kế hoạch thanh, kiểm tra là doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế như đã nêu trên.

Kết quả thanh, kiểm tra thế nào, thưa ông?

Theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan thuế địa phương, năm 2012, toàn ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra tại 55.850 doanh nghiệp, tăng hơn 11% so với năm 2011; xử lý truy thu và phạt 12.541 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2011; giảm lỗ 12.650 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011; thu hồi cho ngân sách 6.500 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2011. Còn trong 8 tháng đầu năm nay, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra hơn 36.610 doanh nghiệp, truy thu 6.528 tỷ đồng; giảm khấu trừ 534 tỷ đồng; giảm lỗ 8.516 tỷ đồng.

Tôi muốn nói thêm rằng, sau khi đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công tác hoàn thuế và sử dụng hóa đơn, đặc biệt là giải pháp yêu cầu doanh nghiệp mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) chỉ được tự in hóa đơn, đặt in hóa đơn khi có xác nhận của cơ quan thuế và phải báo cáo việc phát hành và sử dụng hóa đơn hàng tháng; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp mới thành lập, thì tình trạng gian lận giảm hẳn. đặc biệt, tình trạng thành lập doanh nghiệp, sau khi tự in hóa đơn, hoặc đặt in hóa đơn rồi bỏ trốn “ôm theo” hóa đơn bất hợp pháp giảm hẳn.

Những quy định liên quan đến quản lý, sử dụng hóa đơn như ông nói đã có hiệu quả bước đầu, vậy có được cụ thể hóa trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 51/2010/NĐ-CP không?

Quan điểm của Bộ Tài chính là phải tạo điều kiện tối đa cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, đồng thời phải bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và chống gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế.

Vì vậy, trong nghị định sửa đổi, bổ sung, chúng tôi đề xuất, đối với doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn, doanh nghiệp có rủi ro; doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn đến thiếu thuế, thì không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, mà phải mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng.

Trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, doanh nghiệp phải đăng ký sử dụng và phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế… Những nội dung này sẽ được quy định cụ thể tại thông tư hướng dẫn.

Trong thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính cũng sẽ quy định, doanh nghiệp có vốn trên 15 tỷ đồng, chấp hành tốt pháp luật vê thuế, có độ rủi ro thấp tiếp tục được sử dụng hóa đơn tự in hoặc đặt in. Doanh nghiệp có quy mô dưới 15 tỷ đồng, đặc biệt là doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất (nhà xưởng, máy móc, thiết bị…), doanh nghiệp đăng ký ở địa phương này nhưng kinh doanh mua, bán sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản, sản xuất ở địa phương khác có dấu hiệu bất thường phải mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Sau đó, nếu những doanh nghiệp này cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách thuế nói chung, chính sách về quản lý hóa đơn nói riêng, cơ quan thuế sẽ xem xét cho tự in hoặc đặt in hóa đơn.

Theo Đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang