Sendo là ‘chợ’ đông người truy cập thứ 2 tại Việt Nam
Khách mua điện thoại nhưng nhận được hộp không: Shop 'tố' Sendo làm ăn vô trách nhiệm
Mua hàng Sendo khách hàng "ngậm quả đắng"
Vnexpress thông tin, theo cập nhật mới nhất từ Bản đồ Thương mại Điện tử do iPrice Group thực hiện, tổng lượng truy cập vào website và ứng dụng của Sendo trong quý III/2019 đã bất ngờ vượt lên vị trí thứ 2 thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Riêng lượng truy cập website, nền tảng này cán mức 30,9 triệu lượt mỗi tháng. Đây là quý thứ hai liên tiếp Sendo đạt mức tăng trưởng về truy cập website trên 10%.
Ngoài ra, ứng dụng của Sendo cũng đứng nhì về số lượt tải xuống đạt được trong quý vừa rồi. Kết quả bứt phá này cho thấy Sendo đang có phong độ tốt. Hồi tháng 6, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam 2019, ông Trần Hải Linh, Giám đốc điều hành Sendo, tiết lộ nếu tính vận hành thuần túy, sàn này đã có lãi.
Tuy nhiên, cũng giống nhiều sàn thương mai điện tử khác tại Việt Nam, Sendo cũng gặp khá nhiều ‘phốt’ trong quá trình vận hành.
Điển hình như báo An ninh Thủ đô (ANTĐ) đưa tin, vào cuối tháng 2/2019, một vụ lừa đảo tinh vi đã xảy ra trên môi trường kinh doanh trực tuyến, khi kẻ lừa đảo lợi dụng lỗ hổng quản lý lỏng lẻo của nền tảng Sen Đỏ (Sendo).
Cụ thể, người tiêu dùng tên N.Y (Hà Nội) đặt mua sản phẩm, tại gian hàng lừa đảo mà chị không hay biết. Kẻ lừa đảo đã sao chép toàn bộ nội dung thông tin sản phẩm của một gian hàng uy tín khác, sau đó, tạo chương trình khuyến mãi hấp dẫn để nhận đơn đặt hàng của người mua có nhu cầu.
Khi chị Y. đặt hàng, kẻ gian đã lấy thông tin đó, và tiến hành tạo đơn đặt hàng giả mạo trên hệ thống Sendo đối với gian hàng chúng tạo sẵn.
Theo An ninh Thủ đô, sở dĩ kẻ lừa đảo chọn Sendo làm nơi tạo đơn hàng giả mạo vì nền tảng này có cơ chế quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát kỹ nguồn gửi, loại hàng và đầu mối nhận.
Cũng như trường hợp trên, trước đó, người tiêu dùng tên Thu Trang, khách hàng của Sendo ở Hà Nội cho biết, ngày 5/6/2018, có đặt khoảng 3 sản phẩm thời trang của Sendo tại tên miền Sendo.vn. Khi nhận được hàng, chị mới tá hỏa vì 3 sản phẩm này “khác xa” so với hình quảng cáo trên trang web.
Sau nhiều lần giao dịch lại với shop không thành, cuối cùng chị Trang được Sendo hứa hoàn tiền 100%. Tuy nhiên, để nhận được tiền hoàn lại, chị Trang đã mất không ít thời gian.
PV sau đó vào cuộc điểu tra cho hay, các mặt hàng thời trang trên Sendo được rao bán khá “bắt mắt”, lại có mức giá “mềm”, nhưng các shop bán hàng trên trang Sendo lại chủ yếu đăng ảnh sản phẩm là ảnh chụp quần áo thời trang được các “sao”, hot girl mặc.
Do đó, quần áo thời trang của “sao” là hàng chính hãng, hàng “xịn” nên khá “long lanh” thì các shop trên lại nhập hàng may gia công tại Việt Nam hoặc hàng nhái của Trung Quốc “bắt chước” kiểu dáng. Điều này đã dẫn đến việc hàng thật “khác xa” so với hàng “ảo” trên Sendo, mà đơn vị thương mại điện tử này vẫn chưa thể quản lý triệt để được.
Đáng nói, điều này xảy ra tương tự với rất nhiều các mặt hàng khác trên Sedo như giày dép, đồng hồ, kính mắt...
Sau nhiều vụ việc xảy ra, câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp thương mại điện tử khi cho thuê gian hàng, thẩm định chất lượng hàng hóa; trách nhiệm cơ quan quản lý với các sản thương mại điện tử, ngăn chặn tình trạng trục lợi, lừa đảo... theo Tuổi Trẻ đưa tin.
Thu Hà (T/h)