Siết chặt quản lý đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực

author 14:39 26/04/2022

(VietQ.vn) - Trước các mối nguy hại khôn lường với trẻ em từ đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc, cha mẹ cần lựa chọn các sản phẩm đồ chơi phù hợp và đã được chứng nhận hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN.

Có một thực tế hiện nay, khi vào bất cứ quầy hàng đồ chơi trẻ em nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các đồ chơi trẻ em bạo lực được bày bán công khai. Đây cũng đang là hiện trạng báo động bởi với những loại đồ chơi tưởng chừng vô hại, nhưng rất có thể gây thương tích và nguy hiểm cho trẻ em. Ngoài ra theo các chuyên gia tâm lý, sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường như một hệ quả tất yếu...

QLTT Hà Nội tăng cường kiểm soát đồ chơi bạo lực. 

Ngày 25/4, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh đồ chơi tại Khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông, Kiến Hưng, Hà Đông do bà Ngụy Thị Linh Chúc làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng thực hiện kinh doanh ở nhiều địa điểm mà không thông báo với cơ quan chức năng theo quy định. Sử dụng mạng xã hội https://facebook.com/chuclinhh/ và tài khoản mạng Zalo mang tên Chuclinhh để kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Đoàn kiểm tra phát hiện 506 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, trước dịp Tết thiếu nhi đang tới gần, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có xu hướng bạo lực đảm bảo môi trường phát triển an toàn cho trẻ nhỏ.

Thực tế hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng đang có rất nhiều tin tức về các xung đột vũ trang trên thế giới, kèm theo đó là những hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực vì vậy hoạt động kinh doanh các sản phẩm đồ chơi có hình như súng nói trên có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ. 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ với đồ chơi, cha mẹ và người lớn nên lựa chọn các loại đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng theo quy chuẩn QCVN 3:2019/BKHCN nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ.

Nhằm siết chặt quản lý đồ chơi trẻ em, Nghị định 167/2013 có quy định người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang