Siết chặt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm phân bón trên thị trường

author 12:01 11/01/2025

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp việc siết chặt tiêu chuẩn và nâng cao nhận thức của người dân là ưu tiên hàng đầu.

Phân bón giả, kém chất lượng tràn lan

Phân bón, một trong những yếu tố quan trọng nhất của nông nghiệp, đang trở thành lĩnh vực bị lợi dụng để sản xuất và buôn bán các sản phẩm giả, kém chất lượng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nông dân mà còn gây mất lòng tin trên thị trường, tạo nên một môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Thực tế ghi nhận, trong thời gian gần đây các tỉnh thành trên cả nước liên tiếp phát hiện xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng. Đơn cử, ngày 06 tháng 01 năm 2025, tại Thanh Hóa, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an huyện Thọ Xuân đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Đình Năm ở xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân, phát hiện và tạm giữ 66 tấn phân bón mang nhãn hiệu Rồng Mỹ và Việt Xô có dấu hiệu giả mạo. Qua điều tra ban đầu, toàn bộ số hàng này thuộc Công ty Công nghệ cao Sao Đỏ, có địa chỉ tại xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, ký gửi tại hộ kinh doanh của ông Năm. Số hàng này đã bị tạm giữ để điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Thanh Hóa

Trước đó, tại Đồng Tháp, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện hộ kinh doanh D.M tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười vi phạm nghiêm trọng các quy định về nhãn hàng hóa. Hộ kinh doanh này bán các loại phân bón không đáp ứng tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gồm 13 xô phân bón NPK AV-TNV 666 (299kg) và 27 bao phân bón NP HP NP 20-20 (1,35 tấn). Tang vật vi phạm có giá trị lên đến gần 60 triệu đồng. Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng, buộc nộp lại gần 38 triệu đồng từ lợi nhuận trái phép và tước quyền kinh doanh phân bón trong 2 tháng.

Tại Tiền Giang, vào cuối năm 2024, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành phát hiện hộ kinh doanh C.V.H tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang buôn bán gần 1,3 tấn phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là lô hàng không có hóa đơn chứng từ, không ghi rõ nơi sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng. Sau quá trình xác minh, hộ kinh doanh này bị phạt 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

Hậu quả từ phân bón giả, kém chất lượng không chỉ dừng lại ở thiệt hại kinh tế. Người nông dân sử dụng những sản phẩm này thường phải gánh chịu chi phí sản xuất cao hơn do năng suất cây trồng suy giảm hoặc đất canh tác bị thoái hóa. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính gặp khó khăn khi cạnh tranh với hàng giả giá rẻ. Thị trường vật tư nông nghiệp trở nên hỗn loạn, thiếu minh bạch, và lòng tin của người tiêu dùng cũng giảm sút.

Giải pháp đồng bộ tạo dựng niềm tin thị trường

TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thói quen mua hàng thiếu kiểm tra của nông dân đã vô tình tạo điều kiện cho các sản phẩm giả mạo xâm nhập thị trường. "Nhiều bà con chỉ mua theo thói quen hoặc nghe theo quảng cáo hấp dẫn mà không xem xét kỹ nguồn gốc và chất lượng," TS. Phùng Hà chia sẻ.

Để đảm bảo chất lượng phân bón trước khi lưu thông trên thị trường, ngày 27 tháng 8 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số: 09/2019/TT-BNNPTNT Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón QCVN 01-189:2019/BNNPTNT.

Quy chuẩn này quy định về phân loại, chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, phương pháp thử và yêu cầu quản lý đối với phân bón trong quá trình sản xuất, buôn bán và nhập khẩu phân bón. Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam.

Theo đó, tất cả phân bón nhập khẩu đều phải được kiểm tra chất lượng trước khi thông quan. Việc chứng nhận hợp quy cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, việc quản lý chất lượng phân bón (bao gồm sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường) phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về quản lý phân bón; đảm bảo minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng.

Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan và phải tuân theo các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về quản lý phân bón.

Việc chứng nhận hợp quy đối với phân bón được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao về sản xuất và buôn bán phân bón giả. Những hành vi vi phạm cần bị xử lý nghiêm minh để răn đe và ngăn chặn tái phạm.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, vai trò của người nông dân trong việc bảo vệ quyền lợi của mình cũng rất quan trọng. Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo bà con nên chọn mua phân bón từ các thương hiệu uy tín, có hóa đơn chứng từ đầy đủ và tránh xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cần tổ chức các chương trình tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận biết và phân biệt phân bón thật – giả, cũng như hiểu rõ tác hại tiềm ẩn của việc sử dụng hàng kém chất lượng. TS. Phùng Hà nhấn mạnh, Sự đồng lòng giữa cơ quan quản lý và người dân sẽ là chìa khóa để đẩy lùi tình trạng này.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng sản phẩm, đảm bảo nhãn mác hàng hóa rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, việc xây dựng các chương trình bảo hành, hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang