Sự thật về MB24 và những chiêu trò kiếm tiền tỷ

author 20:36 08/08/2012

(VietQ.vn) - Lãnh đạo bộ sậu của Công ty MB24 có người chưa học hết cấp 3 ở quê, tuy nhiên, những thủ đoạn mà những người này thực hiện khiến cho hàng nghìn người điêu đứng.

Bán gà, bán lợn đi mua gian hàng ảo

Tâm lý hám tiền, tham lợi, tham giàu nhanh mà không muốn bỏ công sức lao động là nguyên nhân chính khiến các nạn nhân bỏ ra một khoản tiền lớn để tham gia vào đường dây kinh doanh.
 
Có mặt tại trụ sở Cảnh sát hình sự (Số 7 Thiền Quang, Hà Nội), chị Ngô Thị H ở Sóc Sơn “dắt” theo 2 người em ruột đến "giãi bày" về việc mình bị Công ty MB24 lừa.
 
Theo đó, vào cuối năm 2011, một người em họ giới thiệu chị về Công ty MB24. Với lời "rao": Nếu bỏ ra 20 triệu thì mỗi tháng sẽ thu về 10 triệu. Để chị H tin tưởng,  người này dẫn chứng ở xã nơi chị Hương sinh sống đã có một bà bán thịt lợn tên Hải chỉ trong vòng 1 tháng đã trở thành triệu phú,  thu nhập trên 100 triệu đồng khi gia nhập MB24. 
Các nạn nhân trong vụ Công ty MB trình báo ở Công an Hà Nội
Các nạn nhân trong vụ Công ty MB trình báo ở Công an Hà Nội
 
Tin lời cô em họ, chị H chẳng cần biết trụ sở MB24 ở đâu, kinh doanh cái gì, chị Hương vội vàng vét hết thóc lúa cùng trâu bò, lợn gà bán được hơn 20 triệu đồng mua gian hàng, đồng thời vận động 2 đứa em ruột của mình có bao nhiêu tiền dốc hết vào cơ hội làm ăn này để đổi đời. 
 
Thế nhưng, khi tham dự  lớp học dành cho hội viên mới được vài buổi, chị Hương ngã ngửa khi nhận ra rằng thực chất phương thức kinh doanh là bán gian hàng điện tử chứ không phải mua bán hàng hóa qua mạng theo đúng  tiện ích của thương mại điện tử. Tiền không đòi lại được, nay chị H lâm vào cảnh nợ nần, khốn khó.
 
Bà Trần Thị N ở Lương Tài, Bắc Ninh cũng bỏ ra số tiền  240 triệu đồng để được sở hữu gian hàng ảo mà Công ty MB24 rao. Bà cho biết, từ lúc hoạt động đến nay tiền hoa hồng chẳng được là bao, giờ đây bà phải ôm đống nợ tiền lãi mẹ đẻ lãi con trong khi hệ thống không phát triển “cân cặp” đủ 198 người nên chẳng thế nào leo lên hàng VIP để có thu nhập trên 111 triệu đồng như MB24 đưa ra.
 
Dùng truyền thông "đánh bóng"
 
Theo tố cáo của những người bị hại thì ngoài  Phó TGĐ Lê Mạnh Cường, còn có một thuyết trình viên siêu hạng khác trong mạng lưới MB24 là Trương Sơn Hà, người tự xưng là doanh nhân Đất Việt. Với vai trò “cố vấn” của 2 chi nhánh Thanh Xuân và Hà Đông,  mỗi khi Trương Sơn Hà “đăng đàn” , hàng nghìn hội viên trong hội trường  bị thôi miên bởi những gì anh này vẽ ra như “rót mật vào tai”.
 
Các buổi nói chuyện của Trương Sơn Hà tại lớp học miễn phí dành cho những người là hội viên và đang được lôi kéo tham gia vào MB24 có chủ đề hấp dẫn như “Thắp sáng ước mơ doanh nhân”, “Khai thác khả năng tiềm ẩn của con người”…

* Các ông Ngô Văn Huy (Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Tuấn Minh (Tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Hà (Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc), Lê Văn Cường (Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc) bị điều tra về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (điều 262b Bộ luật Hình sự). Riêng Chủ tịch HĐQT Minh (39 tuổi, ngụ ở Vĩnh Phúc) không có mặt tại nơi cư trú.

* Tổng Giám đốc Ngô Văn Huy (SN 1973), người đại diện pháp luật của MB24 theo giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cấp, xuất thân từ  một gia đình làm nghề nông tại Lạng Giang, Bắc Giang. Năm 1989, học hết lớp 10, Huy ở nhà… làm ruộng.

 
Trên một số diễn đàn mạng, Trương Sơn Hà được ca ngợi như một tài năng, một ngôi sao mới của thế hệ doanh nhân 8X đóng vai trò “tổng chuyên gia đào tạo” của MB24 tại thị trường Hà Nội. Một số bài viết sặc mùi PR về Trương Sơn Hà được tung lên mạng đã khiến nhiều người càng thêm tin tưởng và yên tâm bỏ tiền đầu tư vào MB24 với mơ ước một ngày kia cũng thành đạt như “doanh nhân” này. 
 
Một “chiêu” của MB24 là quảng bá hoạt động và hình ảnh lãnh đạo công ty trên một số tờ báo;  mời những người có chức danh đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước đến nói chuyện tại các cuộc hội thảo, gặp mặt hội viên do MB24 và các chi nhánh tổ chức, xoay quanh các chủ đề về thương mại điện tử, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử, nhân cách…  Bài nói chuyện của những người này  gây cho bị hại hiểu nhầm MB24 là mô hình thương mại điện tử hợp pháp. 
 
Nhanh chân...tháo chạy
 
Do không có chuyên môn về “công nghệ cao” nên Huy, Cường và Minh phải nhờ đến Nguyễn Mạnh Hà (Trưởng phòng kỹ thuật – admin của MB24). Với trình độ cử nhân Khoa Toán Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia), Hà đã nghiên cứu phương thức kinh doanh của rất nhiều mạng lưới kinh doanh đa cấp tại Việt Nam và trên thế giới để xây dựng một phần mềm chi trả hoa hồng bằng thuật toán “Tìm kiếm ngược – đi từ nhánh dưới cùng lên”.
 
Đồng thời dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tuấn Minh, Nguyễn Mạnh Hà đã tạo ra một tài khoản trên hệ thống của trang web muaban24.vn để có thể đưa tiền ảo (tiền D) vào hệ thống nhằm rút số tiền thừa (tiền mặt) ra. Hàng tháng sau khi hạch toán, cân đối chi phí, Nguyễn Tuấn Minh sẽ chia số tiền thừa này làm 4 phần cho Minh, Huy, Cường và Hà. 
 
Theo các đối tượng Ngô Văn Huy, Lê Mạnh Cường khai nhận, đến nay MB24 chưa có cấp “Giám đốc Kim cương”, cao nhất là 3 giám đốc gồm Nguyễn Tuấn Minh, Ngô Văn Huy và Lê Văn Cường. Phía dưới có 18 cấp phó giám đốc, 83 cấp VIP lãnh đạo, 680 VIP và 136.409 hội viên (trong đó 17.576 hội viên từ Công ty Tâm mặt trời chuyển sang).
Lãnh đạo Công ty MB24
Lãnh đạo Công ty MB24
 
Từ khi thành lập MB24 đến nay, Ngô Văn Huy đã chiếm đoạt được trên 3 tỷ đồng, Lê Mạnh Cường chiếm đoạt khoảng 6 tỷ đồng và Nguyễn Mạnh Hà chiếm đoạt trên 1,2 tỷ đồng. Nguyễn Tuấn Minh là kẻ được chia phần nhiều nhất hiện đã bỏ trốn. Số tiền mà Minh đã chiếm đoạt đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
 
Tại cơ quan điều tra, Tổng giám đốc Ngô Văn  Huy thú nhận rằng trên giấy đăng ký kinh doanh của Công ty MB24 có ghi vốn điều lệ là 9,9 tỷ đồng (trong đó tỷ lệ góp vốn của Huy là 33%, Cường 33% và Minh 34%), nhưng đó chỉ là  tiền góp vốn… trên giấy. Số tiền thực mà Huy bỏ ra chỉ hơn 200 triệu đồng, sử dụng vào việc mua sắm trang thiết bị cho công ty khi mới thành lập. 
 
Trong quá trình phát triển mạng lưới, nhánh của Huy có 3 người đạt cấp độ phó giám đốc, số tiền thu về từ việc bán gian hàng đạt trung binh khoảng 800 triệu đồng/tháng, trong đó tháng cao nhất đạt doanh thu lên tới gần 2 tỷ đồng. Bản thân Huy thừa nhận doanh số của các nhánh do Cường, Minh và Hà phụ trách cũng tương đương. Tuy nhiên, toàn bộ doanh số này không được kê khai tại cơ quan thuế và đương nhiên các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế theo quy định. 
 
Còn Lê Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc MB24 phụ trách mảng truyền thông  có trình độ văn hóa chỉ đạt 9/12. Gia đình Cường có tới 7 anh chị em, thuộc diện khó khăn nên anh ta phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Và công việc bán hàng một thời gian dài tại công ty kinh doanh đa cấp Sinh Lợi đã cho anh ta kinh nghiệm cùng khả năng thuyết trình mạch lạc trước đám đông. 
 
Trong mạng lưới MB24, Cường được đánh giá  là “thủ lĩnh” về thuyết trình. Tự tay anh ta soạn thảo ra “giáo án” cho những kẻ đạt hàng VIP lãnh đạo trong hệ thống để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia mua bán gian hàng của MB24. 
 
Theo đó, trước hết phải mê hoặc người nghe bằng việc phân tích lợi ích vượt trội của thương mại điện tử so với mô hình kinh doanh truyền thống và đa cấp, từ đó dẫn đến những quyền lợi của hội viên khi gia nhập MB24 như được giảm giá 7% khi mua thẻ cào điện thoại, giảm giá 5-15% khi mua hàng điện tử, điện lạnh cùng rất nhiều hàng tiêu dùng khác… 
 
Chốt lại bài giảng là thuyết phục người nghe bỏ ra 5,2 triệu đồng để được tặng “miễn phí” một gian hàng, rồi chính sách hoa hồng hậu hĩnh nếu giới thiệu thêm người tham gia.
 
“Cao thủ” nhất trong dàn lãnh đạo là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Minh. Ngay  cả khi các cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh những dấu hiệu bất minh của MB24, Minh vẫn hùng hồn tuyên bố hoạt động MB24 là đúng pháp luật. Khi mạng lưới MB24 bị sập, Nguyễn Tuấn Minh là kẻ nhanh chân tháo chạy trước đồng bọn. 
 
Nguyễn Vũ
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang