Súng bắn tốc độ của CSGT: Có tình trạng tốc độ của xe này ‘nhảy’ sang xe khác?

author 19:26 19/05/2017

(VietQ.vn) - "Đối với súng bắn tốc độ đời cũ, Cảnh sát giao thông nhắm bắn vào một xe, khi đẩy tay ra thì sẽ lấy kết quả của xe khác", ông Đoàn Anh Khoa - Phó trưởng phòng Đo lường điện từ trường - Viện Đo lường Việt Nam cho biết.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Trả lời câu hỏi về có hay không tình trạng khi có 2 phương tiện đi song song với nhau. CSGT sẽ liên tiếp bắn tốc độ của 2 xe dẫn đến tình trạng tốc độ của xe này nhưng lại hiển thị hình ảnh của xe kia, ông Đoàn Anh Khoa - Phó trưởng phòng Đo lường điện từ trường - Viện Đo lường Việt Nam xác nhận, đối với máy đo tốc độ cầm tay của CSGT có xảy ra trường hợp như trên.

“CSGT nhắm bắn vào 1 xe, khi đẩy tay ra thì sẽ lấy kết quả của xe khác. Đối với máy đo tốc độ cầm tay thì đúng là có trường hợp như thế do độ trễ của máy ảnh và độ trễ của laser khác nhau. Ví dụ đo tốc độ ô tô nhưng lại quay ngay sang bức tường thì cho ra kết quả bức tường có tốc độ và kết luận bức tường chuyển động” – ông Khoa dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Khoa cho biết vấn đề trên chỉ thế hệ phương tiện đo kiểm tra tốc độ giao thông đầu tiên của những năm 2004 mới xảy ra, còn hiện nay tình trạng này đã không còn. 

Súng bắn tốc độ là thiết bị chuyên dụng của CSGT được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

“Hiện nay với máy công nghệ mới, tính năng kỹ thuật hiện tại không cho phép làm điều đó. Trước đó là do máy ảnh không thể chụp liên tục nên xảy ra tình trạng có độ trễ. Tuy nhiên, đối máy công nghệ mới thì chụp được liên tục hoặc có thể quay video nên không còn tình trạng trên. Các phát triển của khoa học và công nghệ đã giúp kiểm soát chặt chẽ, các camera đều cho ra kết quả trực tiếp và kết quả được truyền về ngay lập tức” - ông Khoa khẳng định.

Chia sẻ thêm về phương tiện đo tốc độ của CSGT, ông Khoa cho biết, hiện nay phương tiện đo tốc độ có khả năng bắn đêm, định vị và truyền dữ liệu; Hoạt động tại dải tần số K band (24.150 Ghz+/-100Mhz & 24.050 GHz); Phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông được kiểm định định kỳ 1 năm; Hàng năm Viện Đo lường Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức đi kiểm định phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông tại công an các địa phương.

"Phương tiện đo tốc độ cầm tay của Công an Việt Nam sử dụng là loại hiện đại, tích hợp nhiều công nghệ cao: Đo bằng laser, radar và hiệu ứng Doppler; Chụp hình (ban ngày và đêm); Ống kính chụp hồng ngoại; Định vị GPS, kết hợp bản đồ; Có khả năng đặt trên xe tuần tra, truyền dữ liệu theo thời gian thực trên nền công nghệ 3G; Chụp rõ biển số trong phạm vi 1000m" - ông Khoa nhấn mạnh.

Được biết, mỗi thiết bị bắn tốc độ điều được kiểm định độ chính xác và dán tem kiểm định bởi cơ quan chức năng. Khi gặp tình trạng tầm bắn bị chắn bởi vật cản, nhiễu RFI, lỗi cosin hoặc nhiễu thiết bị đều có thể dẫn tới việc báo cáo tốc độ sai. Theo Viện Đo lường Việt Nam, tem kiểm định của máy đo tốc độ dán ở vị trí dễ quan sát trên thân máy. Trên đó ghi hạn kiểm định (một năm) do Viện Đo lường Việt Nam cấp.

Hiện tại ở Việt Nam có hai loại máy đo tốc độ: Dùng tia laser và dùng sóng radar, phạm vi áp dụng từ 8 – 320km/h, sai số 2km/h.

Súng bắn tốc độ là thiết bị chuyên dụng của Cảnh sát Giao thông (CSGT) được sử dụng phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn trên rất nhiều nước khác. Thiết bị này giúp CSGT có thể biết được phương tiện đang di chuyển có vượt quá tốc độ cho phép hay không chỉ bằng một lần... bắn.

Trước năm 2004, máy đo tốc độ chủ yếu là loại đo bằng Radar Speed Gun. Loại súng này đi kèm với các thiết bị dò tìm tích hợp của riêng nó, cho phép người dùng ghi lại tốc độ của các phương tiện một cách chính xác dù có chuyển động hay không. Bên cạnh đó, chúng còn có thể xác định tốc độ ngay cả khi người sử dụng di chuyển hoặc đứng ngược chiều với dòng giao thông.

Sau năm 2004, phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông có thêm loại Laser và có ghi hình. Những hệ thống bắn sử dụng tia laser này có thể ghi nhận hàng trăm khoảng cách khác nhau chỉ trong không đầy nửa giây, vì vậy kết quả thu được có thể nói là chính xác.

Năm 2006 -2008 Việt Nam bắt đầu đưa vào sử dụng dòng phương tiện đo (ULTRA LYTE) có bước sóng laser. Vào năm 2005, khi đường cao tốc phát triển có nhu cầu thêm máy Trạm đặt cố định sử dụng kiểu radar, truyền trực tiếp dữ liệu về trung tâm chỉ huy xử lý. Phương tiện đo có thể được gắn trên cột đèn, cầu vượt hoặc giao với đường bộ tại các thành phố lớn.

Sáng ngày 19/5 tại Viện Đo lường Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Đo lường phục vụ an toàn và tin cậy trong giao thông vận tải”.

Tại buổi Hội thảo các đại biểu đã tuyên truyền thông điệp về ngày Đo lường thế giới năm 2017. Đồng thời cùng chia sẻ, thảo luận về nhiều vấn đề như Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia phục vụ an toàn và tin cậy trong giao thông vận tải.

Trong đó có nhiều vấn đề như đo lường tải trọng xe, đo lường trong công nghiệp hàng không, đo lường phục vụ kiểm tra hàm lượng cồn trong hơi thở và khí thải xe cơ giới...

 

Huy Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang