Suy thận sau một tuần uống thuốc giảm cân mua trên mạng
Máu trắng như sữa nghi do uống thuốc giảm cân thảo dược mua ở tiệm thuốc tây
Những loại đồ uống khiến hơi thở của bạn nặng mùi
Lạm dụng thuốc giảm đau chữa viêm khớp khiến người đàn ông bị thủng dạ dày
Đại diện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, thông tin bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, mạch nhanh. Theo người nhà, khoảng một tuần nay, người bệnh có uống thuốc giảm cân mua trên mạng, sau đó có biểu hiện ăn, ngủ ít, mệt mỏi, tức ngực, nói nhảm. Hiện bác sĩ chưa rõ bệnh nhân uống thuốc giảm cân nhãn hiệu gì.
Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị ngộ độc cấp, nghi do thuốc giảm cân. Các bác sĩ hồi sức tích cực, xác định tình trạng ngộ độc rất nguy kịch, tim loạn nhịp nặng, biểu hiện suy thận, hạ kali máu nặng, chuyển trung tâm Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Các bác sĩ khuyến cáo chị em tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm bán trên mạng, không rõ nguồn gốc. Người dân cần thực hiện giảm cân khoa học, kết hợp giữa chế độ ăn hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Việc sử dụng các loại thuốc giảm cân, đặc biệt thuốc giảm cấp tốc chưa được kiểm chứng là vô cùng nguy hại, nguy hiểm tính mạng.
Thuốc giảm cân vô cùng nguy hiểm nên cẩn trọng khi dùng. Ảnh minh họa
Nhiều loại thuốc giảm cân được quảng cáo là làm tăng hoạt động trao đổi chất, giảm cảm giác thèm ăn và cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng hơn. Thực tế, nếu có thể đảm bảo các tiêu chí này thì đó lại là những loại thuốc giảm cân chứa chất kích thích, tức có thành phần là amphetamine hoặc kết hợp giữa caffeine, guarana hay các phần có gốc amphetamine khác. Amphetamine từ lâu đã bị cấm dùng trong thuốc vì được xem là một dạng ma túy. Những chất kích thích này làm tăng huyết áp và nhịp tim rất nhanh. Nếu có mắc bệnh tim thì thuốc có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, đối mặt nhiều nguy hiểm.
Trước khi bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm lưu hành vào năm 2004, nhiều loại thuốc giảm cân còn chứa ephedra, một chất kích thích có nguồn gốc thảo dược và rất nguy hiểm nếu dùng ở liều cao do ghi nhận dẫn đến đau tim, đột quỵ và thậm chí tử vong.
Mặc dù vậy, một số nhãn hàng thuốc giảm cân hiện vẫn sử dụng trái phép thành phần này vào công thức sản phẩm. Đó là lý do tại sao cần lựa chọn thuốc từ một nguồn chính thống và có uy tín, nhằm hạn chế tối đa tác hại thuốc giảm cân.
Một tác hại của thuốc giảm cân mà ít người đề phòng chính là khả năng gây nghiện, chủ yếu liên quan đến thành phần amphetamine. Ngày càng có nhiều người dùng thuốc cải thiện các triệu chứng của sự thiếu chú ý, mất ngủ như Adderall vì tác dụng thứ cấp của thuốc giảm cân. Những toa thuốc này thường được kê ở liều cao hơn so với người điều trị tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên, ngay cả việc sử dụng Adderall với liều lượng theo quy định cũng có nguy cơ gây phụ thuộc về tâm lý và thể chất. Theo FDA tuyên bố, người sử dụng sẽ có khả năng lạm dụng thuốc cao.
Người nghiện thuốc giảm cân chứa chất kích thích có nhiều khả năng tìm đến các chất kích thích mạnh hơn và thường là bất hợp pháp như cocaine hoặc methamphetamine. Chính hành vi này dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm hơn. Tất cả đều xuất phát từ mục đích đơn thuần ban đầu là giảm cân.
Cũng liên quan tới vấn đề thuốc giảm cân, trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tiếp phát đi cảnh báo về hàng loạt sản phẩm thực phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine. Đây là loại chất không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng tại thị trường Việt Nam do làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Trong đó, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như viên uống giảm cân Seven days, Diamond Power Slim, Slimming Tigi Max 28, Slim Phục Linh Plus, Feo dứa… đã được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo vì có chứa chất cấm Sibutramine.
Sibutramine tham gia quá trình chuyển hóa chất béo để chuyển hóa năng lượng. Khi đưa vào cơ thể, chất này sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh làm mất cảm giác đói. Vì vậy, người sử dụng không muốn ăn, dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng và gầy đi.
Tuy nhiên, chất này tác động vào hệ thần kinh trung ương nên cũng có tác động ngược lại là làm tê liệt hệ thống thần kinh trung ương ở khu vực nên có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, chóng mặt và thay đổi tâm trạng như phấn khích, bồn chồn, lú lẫn hoặc trầm cảm.
Hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được nhiều sản phẩm giảm cân trên các trang mạng xã hội, có giá từ 200.000 – 400.000 đồng/sản phẩm với nhiều lời quảng cáo là sẽ giảm cân theo ý muốn. Tuy nhiên, qua các vụ việc bị cơ quan chức năng phát giác, nhiều sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine người tiêu cùng cần thận trọng.
An Dương (T/h)