Tái cấu trúc nền kinh tế: Tăng sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

author 20:48 15/12/2021

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, tái cấu trúc nền kinh tế cần tăng sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đối diện với đại dịch Covid-19.

Chiều 14/12/2021 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề: "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp". 

Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI nhận xét, mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, song việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Tái cấu trúc nền kinh tế cần tăng sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự phục hồi.

"Với mục tiêu đặt ra trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn để thực sự bứt phá"- ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh nhận định, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 là sự tiếp nối kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về khoa học - công nghệ.

Bà Trần Thị Hồng Minh khuyến nghị cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đối diện với đại dịch COVID-19. Nhưng cũng cần có sự kế thừa và phát triển những kết quả, thành tựu trong giai đoạn trước; đặc biệt ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo đột phá, lan truyền sang các lĩnh vực khác. Đây là điểm hoàn toàn mới so với trước - bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 2021-2021 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh hỗ trợ trực tiếp thì hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là hỗ trợ quan trọng. Khi tạo ra thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển và vươn lên trong bối cảnh hiện nay

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động, do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định. Đặc biệt, sự bất ổn do đại dịch toàn cầu nên doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp cần phải được chú trọng bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang