Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của đề tài, dự án KHCN

author 07:42 27/12/2015

(VietQ.vn) - Tài sản trí tuệ là kết quả của nghiên cứu, đề tài hoặc dự án KHCN cần được ghi nhận và xác lập quyền sở hữu một cách kịp thời và đầy đủ.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Các kết quả nghiên cứu của một đề tài, dự án hoặc nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) dưới dạng hữu hình như các sản phẩm, nguyên mẫu chế thử, thiết bị, dụng cụ chế thử… và dưới dạng vô hình bao gồm các thông tin mới, có giá trị sử dụng, khai thác nhất định trong các hoạt động kinh tế, xã hội, gọi là các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án. Các tài sản trí tuệ này cần được ghi nhận và xác lập quyền sở hữu một cách kịp thời và đầy đủ như một dòng hàng đối lưu với dòng tiền đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tài sản trí tuệ của đề tài, dự án KHCN bao gồm cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình

Tài sản trí tuệ của đề tài, dự án KHCN bao gồm cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình

Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

Để có thể xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án hoặc nghiên cứu KHCN, cần dựa trên cơ sở phân định tỷ lệ quyền sở hữu sau đây:

+ Đối với các tài sản trí tuệ được xác định sẽ thuộc quyền sở hữu của một chủ thể duy nhất: Chủ thể đó tự chịu trách nhiệm xúc tiến các hoạt động xác lập quyền tương ứng.

+ Đối với các tài sản trí tuệ được xác định sẽ thuộc quyền sở hữu của nhiều chủ thể trong đó không có Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ ngân sách: Các bên liên quan thỏa thuận cách thức xúc tiến các hoạt động xác lập quyền tương ứng.

+ Đối với các tài sản trí tuệ được xác định sẽ thuộc quyền sở hữu của nhiều chủ thể trong đó có Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ ngân sách: Cơ quan này nên đảm nhận việc xúc tiến các hoạt động xác lập quyền tương ứng.

+ Đối với các tài sản trí tuệ tự xác lập quyền khi thỏa mãn các điều kiện luật định (bí mật kinh doanh, tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình…): Chủ thể xúc tiến việc xác lập quyền cần tiến hành các hoạt động lưu giữ và bảo vệ các chứng cứ phát sinh quyền.

+ Đối với các tài sản trí tuệ phải xác lập quyền theo cơ chế đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sáng chế, giống cây trồng …), hoặc có thể đăng ký để giảm thiểu nghĩa vụ chứng minh quyền (tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình,…): Chủ thể xúc tiến việc xác lập quyền cần ghi nhận và khai báo đầy đủ và chính xác tên của các tác giả, đồng tác giả liên quan cùng tỷ lệ đóng góp của từng người.

Việc xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án và nghiên cứu KHCN phải được thực hiện kịp thời và đầy đủ

Việc xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án và nghiên cứu KHCN phải được thực hiện kịp thời và đầy đủ

+ Đối với các tài sản trí tuệ là tác phẩm được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả, phần quyền công bố tác phẩm thuộc quyền nhân thân của (các) tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm được chuyển giao cùng các quyền tài sản liên quan cho các chủ thể có quyền sở hữu tương ứng, phù hợp với các quy định tại Điều 39 và khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu Trí tuệ.

+ Chi phí xác lập quỵền sở hữu trí tuệ do các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu tài sản trí tuệ liên quan thanh toán theo tỷ lệ quyền sở hữu tương ứng. Chi phí xác lập quyền của cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ ngân sách nên được phép hạch toán trong kinh phí quản lý đề tài, dự án liên quan, bao gồm các khoản phí, lệ phí quốc gia và phí dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ (nếu có).

+ Đối với các tài sản trí tuệ bị bỏ sót không được ghi nhận lại cho đến khi đã nghiệm thu xong đề tài, dự án: Đến thời điểm được phát hiện mà vẫn còn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ, cũng sẽ được phân định và xác lập quyền sở hữu theo các quy định trên đây.

+ Đối với các đơn đăng ký bị từ chối bảo hộ do đối tượng đăng ký không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ tương ứng: Các bên tham gia triển khai đề tài, dự án đều có quyền công bố, sử dụng và khai thác như nhau.

Sử dụng, khai thác và phân chia lợi ích đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

Các hành vi sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ thuộc đề tài, dự án KHCN phải tuân theo Luật Sở hữu trí tuệ

Các hành vi sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ thuộc đề tài, dự án KHCN phải tuân theo Luật Sở hữu trí tuệ

Quyền sử dụng, khai thác các tài sản trí tuệ và tỷ lệ phân chia lợi ích (nếu có) được đặt cơ sở trên quyền sở hữu và tỷ lệ quyền sở hữu, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Theo đó, bên khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ phải tôn trọng các quyền nhân thân và quyền tài sản của các tác giả và đồng tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Việc sử dụng, khai thác các tài sản trí tuệ thuộc đề tài, dự án đã được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu do chủ nhiệm đề tài, dự án hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác thực hiện mà không được phép của (các) chủ sở hữu, đều là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và phải chịu các chế tài liên quan theo quy định của pháp luật.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang