Quy định về bảo hộ tài sản trí tuệ là giống cây trồng mới

author 16:35 23/12/2015

(VietQ.vn) - Bảo hộ tài sản trí tuệ là giống cây trồng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà tạo giống, tạo động lực phát triển các giống mới giúp nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Hiện nay, bảo vệ tài sản trí tuệ là giống cây trồng mới là việc hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà tạo giống, để tránh trường hợp họ bị ăn cắp ý tưởng cũng như cách tạo giống, nhằm kích thích nhà tạo giống tạo ra nhiều giống mới áp dụng vào công nghiệp nghề làm vườn hoặc lâm nghiệp.

Việc tạo ra các tài sản trí tuệ là giống cây trồng mới đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể về kỹ năng, nhân lực, nguồn nguyên liệu, tiền bạc và thời gian. Khả năng có được độc quyền sở hữu trí tuệ đối với một giống cây trồng mới cho phép một nhà tạo giống cây trồng thành công có cơ hội hợp lý để thu hồi chi phí và tích luỹ vốn cần thiết cho đầu tư tiếp theo.

Giống cây trồng mới là một dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Giống cây trồng mới là một dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/4/2001, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 13/2001/NĐ-CP quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới. Theo đó, giống cây trồng mới sẽ được bảo hộ theo một hệ thống riêng biệt do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Đến nay, với Phần IV của Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật về bảo hộ tài sản trí tuệ là giống cây trồng mới tiếp tục được hoàn thiện.

Theo đó, giống cây trồng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam là giống cây được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc danh mục giống cây trồng được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Theo định nghĩa trên, có thể hiểu chủ thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới bao gồm hai nhóm chính:

Thứ nhất, là người chọn tạo ra tài sản trí tuệ là giống cây trồng mới. Đây là những chủ thể đã tạo ra giống cây trồng mới, chưa từng tồn tại trước đó trong thế giới tự nhiên bằng những phương tiện kỹ thuật nhất định. Pháp luật không đặt ra bất kỳ giới hạn cụ thể nào đối với hình thức, trình độ kỹ thuật trong việc thực hiện quy trình tạo giống cây trồng được bảo hộ. Đó có thể là thao tác kỹ thuật đơn giản như lựa chọn và lọc giống cây cho đến những công nghệ phức tạp, hiện đại như công nghệ chuyển gien, cấy ghép gien …

Thứ hai, là người phát hiện và phát triển giống cây trồng. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản chính thức giải thích một cách cụ thể về khái niệm “phát hiện và phát triển giống cây trồng”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào đặc điểm pháp lý nói chung của quyền sở hữu trí tuệ, có thể khẳng định rằng, một người chỉ có công đơn thuần trong việc phát hiện ra giống cây trồng mới sẽ không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đó.

Do vậy, khái niệm “phát triển” được sử dụng ở đây như là một sự bổ sung cần thiết, là điều kiện đủ để được nhà nước xem xét cấp bằng độc quyền đối với tài sản trí tuệ là giống cây trồng đã được phát hiện. Hành vi “phát triển giống cây trồng được phát hiện” có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với hành vi “sáng tạo giống cây trồng”. Nếu hành vi “sáng tạo giống cây trồng” bao gồm những hoạt động cải tiến hoặc cải tạo đối với các tính trạng di truyền căn bản của cây trồng, nhằm mục đích tạo ra giống cây trồng có các tính trạng di truyền mới, thì hành vi “phát triển giống cây trồng được phát hiện” đơn thuần chỉ là những tác động tạo nên sự thay đổi nhất định trong quá trình nhân giống của cây trồng.

Bảo hộ tài sản trí tuệ là giống cây trồng sẽ tạo động lực giúp tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất chất lượng cao

Bảo hộ tài sản trí tuệ là giống cây trồng sẽ tạo động lực giúp tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất chất lượng cao

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng được bảo hộ là tài sản trí tuệ, cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

- Có tính mới: Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống, hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người đó bán, hoặc phân phối bằng các cách khác nhau nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 1t năm, hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 6 năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, 4 năm đối với giống cây trồng khác.

- Có tính khác biệt: Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn, hoặc ngày ưu tiên của đơn nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Theo Khoản 2, Điều 160 của Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng đã được biết đến rộng rãi, bao gồm: giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng được bảo hộ hoặc được đăng ký trong danh mục loài cây ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký của bất kỳ quốc gia nào, trừ khi đơn này bị từ chối và giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố.

Theo đó, đối tượng có khả năng được sử dụng làm đối chứng trong quá trình thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ là bất kỳ một quần thể cây trồng nào đã được biết đến một cách rộng rãi. Pháp luật không đặt ra một giới hạn kỹ thuật nào đối với tính trạng di truyền của nguồn cây trồng được sử dụng làm vật liệu đối chứng.

Tuy nhiên, xếp đối tượng của đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào làm đối chứng cho các đối tượng giống cây trồng nộp đơn yêu cầu bảo hộ theo pháp luật Việt Nam có phần chưa thuyết phục. Về mặt nguyên tắc, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng như một tài sản trí tuệ tại bất kỳ quốc gia nào đều chỉ được công bố sau một thời hạn nhất định.

Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đối với giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp quản lý

Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đối với giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp quản lý

Nếu tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được xem xét, thì không thể xếp các giống cây trồng là đối tượng của đơn nộp ở nước ngoài nhưng chưa được công bố vào quần thể cây trồng đã được biết đến một cách rộng rãi. Do vậy, việc coi đối tượng này như một nguồn đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng nộp đơn đăng ký bảo hộ trong nước là không hợp lý.

- Có tính đồng nhất: Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống. Thuật ngữ “các tính trạng liên quan” nhằm chỉ các tính trạng được yêu cầu bảo hộ của giống cây trồng. Nói một cách khác, tính đồng nhất không được xem xét đối với các tính trạng không tham gia vào các đặc điểm di truyền của quần thể cây trồng được bảo hộ.

- Có tính ổn định: Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

- Có tên gọi phù hợp: Tên gọi của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của giống cây trồng khác đã được biết đến một cách rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. Người nộp đơn chứng nhận một giống cây trồng mới là tài sản trí tuệ phải đăng ký cùng một tên gọi phù hợp cho giống cây trồng như đã được đăng ký ở các quốc gia khác, trừ trường hợp tên gọi đã đăng ký ở quốc gia khác vi phạm các điều cấm quy định tại Khoản 3, Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã có những quy định cần thiết liên quan đến thủ tục xác lập quyền và bảo vệ giống cây trồng mới như một tài sản trí tuệ. Khoản 1, Điều 164 quy định: “Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với giống cây trồng”. Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đối với giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp quản lý.

Lan Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang