Tạo thế đứng vững chắc cho nhãn hiệu tập thể ‘ngọn su su Sa Pa’

author 16:53 24/11/2015

(VietQ.vn) - Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm được sản xuất, chế biến, lưu thông trên thị trường thuận lợi hơn, cạnh tranh tốt hơn.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Vào năm 2010, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngọn su su Sa Pa” cho sản phẩm Ngọn su su Sa Pa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” thuộc chương trình Hỗ trợ Phát triển Tài sản Trí tuệ đã được phê duyệt. Dự án này do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lào Cai chủ trì thực hiện.

Dự án ngọn su su sa pa thuộc chương trình Hỗ trợ Phát triển Tài sản trí tuệ“Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngọn su su Sa Pa” cho sản phẩm Ngọn su su Sa Pa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” thuộc chương trình Hỗ trợ Phát triển Tài sản Trí tuệ tạo cơ hội cho sản phẩm ngọn su su Sapa được sản xuất, chế biến, lưu thông trên thị trường thuận lợi và có sức cạnh tranh tốt hơn.

Mục tiêu của dự án là lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền, tổ chức quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể (NHTT) “su su Sa Pa”. Trong đó, triển khai thực hiện mô hình tổ chức quản lý; Xây dựng các phương án thiết lập, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mang NHTT su su Sa Pa.

Theo bà Cao Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành (Sở KH&CN) Lào Cai, những năm gần đây, những thành tựu mới của khoa học và Công nghệ, nhất là lĩnh vực hoạt động Sở hữu trí tuệ đã tạo nên những biến động lớn trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

 “Tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp tại địa bàn rất chú trọng đến việc tạo lập và bảo hộ các giá trị tài sản trí tuệ của địa phương, của doanh nghiệp. Một trong những tài sản trí tuệ đó là “nhãn hiệu” cho dịch vụ và hàng hóa, trong đó có loại hình là “Nhãn hiệu tập thể”. Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ có hiệu quả tạo lợi ích kinh tế cho tất cả các tác nhân tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng sản phẩm. Những lý do trên chính là nguyên nhân để ra đời dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngọn su su Sa Pa””, bà Cao Thị Hương cho hay.

Sau hai năm triển khai, đánh giá của Sở KH&CN Lào Cai cho thấy, dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông sản của sản phẩm su su Sa Pa. Vị thế của mặt hàng su su Sa Pa trên thị trường đã được khẳng định. Sức cạnh tranh của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại do các đơn vị, địa phương khác sản xuất được nâng lên rõ rệt.

Cụ thể, về hiệu quả kinh tế, chất lượng, năng suất su su tăng lên rõ rệt. Từ  25-30  tấn/ha/năm đã tăng lên trung bình 50- 60 tấn/ha/năm. Đặc biệt, từ khi có nhãn hiệu, sản phẩm su su Sa Pa đã có chỗ đứng trên thị trường và thị trường ngày càng được mở rộng. Dự án đã xây dựng được hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ các sản phẩm từ cây su su Sa Pa trên thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Trung Quốc ... Đầu mối là Hội Sản xuất và kinh doanh su su Sapa có trụ sở tại Ô Quí Hồ, Sa Pa.

“Giá bán su su đã tăng từ 2000đồng/kg đến 3.000 đồng/kg quả. Vào chính vụ từ tháng 8 trở đi, giá bán chỉ còn 800 đồng đến 1.000 đồng/kg quả (năm 2010) đến nay lên 5.000 đồng/kg - 7.000 đồng/kg, có lúc lên 14.000đ/kg”, TS. Nguyễn Quốc Trị, Giám đốc Sở KH&CN Lào Cai – người trực tiếp chủ trì dự án cho hay.

Như vậy, tính trung bình,1 ha rau su su mang nhãn hiệu tập thể hàng năm có thu được khoảng 60 triệu đồng - 70 triệu đồng nên đã thu hút rất nhiều bà con tham gia trồng su su. Hiện nay đã có 200 hộ dân trồng với diện tích gần 120 ha và người dân vẫn tiếp tục đề nghị được mở rộng thêm diện tích trồng vì hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn đối với người dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, nhờ trồng su su cho HTX Hoa Ðào, nhiều người dân từ chỗ nghèo đói nay có cuộc sống khá giả.

Ông Giàng A Xóa, dân tộc Mông, ở tổ 13, Khu vực Ô Quý Hồ trồng 1 ha su su thu nhập 60 triệu đồng/năm. Hàng chục hộ triệu phú như bà Hà Thị Thập hiện có 3 ha su su có thu nhập đạt 180 triệu đồng/năm. Ông Vương Văn Thanh, ở tổ 13, thị trấn Sa Pa được coi là "vua" su su ở Sa Pa, có 5 ha su su được sản xuất theo quy trình sạch - an toàn, mỗi năm thu về 180 - 200 triệu đồng. Những năm su su được giá, ông Thanh có thể thu được 400 triệu đồng…

Đánh giá về kết quả dự án, Hội Đồng khoa học nghiệm thu dự án đã khẳng định: “Đây là một trong những dự án rất thành công, kinh phí đầu tư cho dự án là hơn 600 triệu đồng nhưng đã đạt được hiệu quả về kinh tế và ý nghĩa về xã hội rất lớn. Chỉ tính riêng tiền chênh lệch giá sản phẩm su su do có nhãn hiệu đã mang lại cho huyện Sa Pa hơn chục tỷ đồng mỗi năm”. Cụ thể, với cách tính, giá su su tăng khoảng 2.000 đồng/1kg nhân với sản lượng 6.000.000 kg su su/năm, thì giá trị tăng thêm sẽ vào khoảng 12 tỷ đồng mỗi năm.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang