Tạm giữ lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc tại tỉnh An Giang

author 13:52 12/04/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang vừa phát hiện 2 xe ô tô chở nhiều hàng hóa không hóa đơn, chứng từ với giá trị lớn.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế  và chức vụ (Công an tỉnh An Giang) tổ chức kiểm tra 2 ô tô tải vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều hàng hóa không hóa đơn, chứng từ; tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng 678 triệu đồng.

Theo đó, ngay khi tiếp nhận thông tin, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, tổ chức 2 đoàn kiểm tra khám phương tiện ô tô tải tại khu vực Quốc lộ 91 thuộc khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Cụ thể, Tổ công tác thứ nhất, khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 51D-107.68, do N. V. E. (sinh năm 1977) điều khiển từ TP. Hồ Chí Minh đến huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng tạm giữ 

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Trong đó, có 10 chiếc quạt đứng (loại có két nước) hiệu Mistusita Air Cooler, model HA-40a, công suất 130 W, trọng lượng 9,65 kg; 60 vợt điện (bắt muỗi) hiệu MosQuito Swatter; 4 dụng cụ vắt cam cầm tay hiệu Vortex, do Trung Quốc sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Tổ công tác phát hiện 1.250 kg hóa chất Paclobutrazol 20%WP loại 25 kg/bao, xuất xứ P.R.C, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tổ công tác cũng phát hiện 450 chai sữa tắm không hóa đơn chứng từ, hiệu Lěvis's Naturally, loại 1.200 ml/chai; trên nhãn thể hiện: Product of - Công ty TNHH Thương mại sản xuất HMP Hoàng Lan Maily (địa chỉ: 334/14 Le Quang Dinh str, BT dist HCM); số công bố 002968/19/CBMP-HCM; số lô 968-001/010522; NSX: 2/3/2023; HSD: 2/3/2026. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ trên phương tiện 51D-107.68 khoảng 240 triệu đồng.

Tổ công tác thứ hai, khám phương tiện ô tô tải mang biển kiểm soát 67C-076.97, do P. T. T. (sinh năm 1980) điều khiển từ TP. Hồ Chí Minh đến huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Kết quả kiểm tra, Tổ công tác phát hiện 100 thùng hóa chất, chưa rõ hợp chất, chưa rõ công thức hóa học, loại 25 kg/thùng; trên nhãn thể hiện sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ hóa chất KELLY Việt Nam; địa chỉ: một phần lô đất CN7, KCN Thạch Thất, Quốc Oai, xã Phùng Xá (Thạch Thất, TP. Hà Nội); hàng hóa không hóa đơn chứng từ kèm theo.

Ngoài ra, còn nhiều hàng hóa khác cũng không có hóa, đơn chứng từ, không nhãn hàng hóa, như: 3,437 tấn lưới đánh cá; 1,230 tấn dây cuộn PE; 1.905 túi xách các loại; 1.045 đôi dép các loại; 32 chiếc nệm bông và 20 thùng kệ sắt siêu thị, size 400 x 1200, Q: 8pcs chưa rõ xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 438 triệu đồng.

Cả 2 vụ việc trên, được Đội Quản lý thị trường số 1 lập biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính ghi nhận kết quả khám; đồng thời, lập biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong toàn bộ hàng hóa để tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang