Tăng cường bổ sung nguồn lao động cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất

author 05:55 15/10/2021

(VietQ.vn) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số tỉnh thành đã xảy ra hiện tượng thiếu lao động trong các doanh nghiệp. Cần thiết phải có những giải pháp để hạn chế thiếu hụt lao động, phục hồi hoạt động sản xuất.

Theo đó, ở Thái Nguyên - tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao thứ tư cả nước, đạt 25 - 27 tỷ USD, dù kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh thành lân cận như Hà Nôi, Bắc Giang, Bắc Ninh đã khiến ngành công nghiệp ở Thái Nguyên gặp tình trạng thiếu lao động. Các ngành công nghiệp hiện đang thiếu khoảng 11 nghìn lao động, trong đó thiếu nhiều nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các khu công nghiệp (KCN) thiếu khoảng 6 nghìn người. Phó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên Trần Quốc Trung cho biết: “Mặc dù tình trạng thiếu lao động trong các KCN diễn ra không gay gắt, nhưng cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương làm cho công nhân không thể trở lại nhà máy; các doanh nghiệp trong KCN không tuyển dụng lao động để chống dịch; nhu cầu đẩy mạnh sản xuất và một số nhà máy mới đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng thiếu lao động”.

Ở TP.HCM, việc người lao động kéo về quê đang khiến các doanh nghiệp đối mặt với bài toán tìm lao động khi tái hoạt động, sản xuất kinh doanh sau ngày 1/10/2021. Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý III/2021, Thành phố có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của doanh nghiệp là 43.600 - 56.800 người.

Tại Bình Dương, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh báo cáo, có khoảng 750.000 lao động đã phải ngừng việc. Dự báo trong thời gian tới có thể thiếu 40.000 - 50.000 lao động.

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số người lao động về quê trong những ngày qua với khoảng gần 20.000 người, tập trung ở các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP Biên Hòa. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất ở địa phương. 

 Doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu lao động - Ảnh minh họa

Tăng cường bổ sung lao động để phục hồi sản xuất

Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cần có các chính sách, chế độ để giữ chân người lao động như “trả lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính cho lao động, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động. Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động.

Chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đón và tuyển dụng công nhân.

Tại cuộc đối thoại giữa Ban Quản lý các KCN và doanh nghiệp được tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, các chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân đã tiêm đủ hai liều vắc-xin, xét nghiệm âm tính với Covid-19, từ “vùng xanh” trở lại làm việc thì không phải cách ly dài ngày để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực.

Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang