Tăng cường công tác cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra

author 21:32 06/06/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam luôn đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia vào mạng lưới hiệp định FTA thế hệ mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với tần suất ngày càng gia tăng.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 3 năm 2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 247 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu rất phức tạp.

Ngay trong tháng 5/2024, pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam đã bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp; tiếp đó, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (Cơ quan điều tra Hàn Quốc) cũng đã đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam...

Trước đó, Philipiness giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat; Mexico đánh giá ngành thép mạ Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó...

Hiện nay, các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp, nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng rất lớn. Đặc biệt, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay, việc hàng hoá xuất khẩu bị các thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại là do gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. 

Ngoài ra, việc tham gia các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương đối với các nước này. Cùng với đó, một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết, thậm chí sử dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa

Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Trưởng phòng, Phòng Xử lý PVTM, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, Cục đã ban hành danh mục cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, công bố cho các doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với doanh nghiệp theo dõi. Đồng thời, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin liên quan đến các vụ kiện từ các văn phòng luật sư hay từ chính các cơ quan PVTM…

Trong diễn biến liên quan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra phòng vệ thương mại và dẫn tới bị áp thuế đều sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế.

Vì thế, trước các nguy cơ, thách thức về điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài, chuyên gia Nguyễn Minh Phong khuyến nghị, cơ quan chức năng cần xây dựng hàng rào phòng vệ thương mại trong nước vững chắc và được kiểm soát, cập nhật thường xuyên để đảm bảo hiệu ứng, hiệu quả trên thực tế, tránh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước cũng như môi trường đầu tư trong nước.

Nhằm nâng cao năng lực ứng phó trước công tác PVTM, các doanh nghiệp Việt cũng cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.

Tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra. Đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định PVTM giữa Việt Nam và nước đối tác để nắm rõ nghĩa vụ và quyền lợi, dự trù thuê luật sư khi cần thiết, xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực bằng cách trả lời câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp và liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong ngành để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành...

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang