Tăng cường đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin tại các địa phương

author 06:09 04/03/2025

(VietQ.vn) - Trước thực trạng mất an toàn thông tin đang diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao ý thức, tăng cường giám sát và bảo vệ hệ thống thông tin, an toàn an ninh mạng.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Thông qua công tác giám sát và đảm bảo an ninh mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện tình trạng lộ, mất thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc người sử dụng chưa tuân thủ các quy định về an toàn thông tin, sử dụng mật khẩu yếu hoặc mặc định, không cài đặt hoặc không cập nhật phần mềm diệt virus, tải và cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc, lưu mật khẩu trên trình duyệt web... Những sai sót này tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và an toàn thông tin.

Sử dụng mật khẩu mạnh để tránh nguy cơ mất an toàn thông tin. Ảnh minh họa

Việc lộ, mất thông tin tài khoản và mật khẩu đăng nhập vào các hệ thống thông tin dùng chung không chỉ gây ra nguy cơ mất an toàn thông tin mạng mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, bao gồm lộ lọt dữ liệu quan trọng, mất kiểm soát hệ thống và nguy cơ bị khai thác trái phép.

Trước thực trạng này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đưa ra các khuyến cáo nhằm tăng cường bảo mật thông tin. Người dùng cần thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng bảo mật của hệ điều hành, nâng cấp phần mềm ứng dụng, không tải hoặc cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc.

Đồng thời, cần sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền và thường xuyên cập nhật để đảm bảo an toàn. Một biện pháp quan trọng khác là thay đổi mật khẩu định kỳ (tối đa 3 tháng/lần) và thiết lập mật khẩu mạnh với ít nhất 8 ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Người dùng cũng không nên lưu thông tin tài khoản, mật khẩu trên trình duyệt web. Đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hệ thống thông tin, cần thu hồi các tài khoản không còn sử dụng để tránh bị khai thác trái phép.

Không chỉ tại Hà Nội, tình hình an toàn, an ninh mạng cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các địa phương khác. Tại Quảng Ninh, các cơ quan chức năng đã ghi nhận các cuộc tấn công mạng có chủ đích vào hệ thống thông tin trọng yếu, như xâm nhập và lây nhiễm mã độc vào các hệ thống quan trọng, đánh cắp thông tin công vụ... Tuy nhiên, nhờ các biện pháp giám sát nghiêm ngặt và hệ thống bảo mật đa lớp, các sự cố nghiêm trọng đã được ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh để tổ chức kiểm tra an toàn thông tin tại nhiều đơn vị. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã rà soát các máy tính, thiết bị mạng tại 17 sở, ngành, địa phương; phát hiện và cảnh báo các lỗ hổng bảo mật, đồng thời hướng dẫn khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý thiết bị, bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin.

Ngoài việc kiểm tra và khắc phục các lỗ hổng bảo mật, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng công tác tuyên truyền và đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin. Trong năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã chủ trì khoảng 20 hội nghị tập huấn chuyên sâu về an ninh mạng, thu hút hơn 5.000 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, giảng viên, sinh viên tham gia.

Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức diễn tập thực chiến về đảm bảo an ninh mạng. Ảnh: baoquangninh.vn

Những hội nghị này giúp phổ biến các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cho các đơn vị và cá nhân.

Tại Thái Nguyên, công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng được triển khai mạnh mẽ với hệ thống giám sát hoạt động 24/7 cho các hệ thống thông tin dùng chung. Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) của tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn hơn 2,6 triệu lượt kết nối nguy hiểm, loại bỏ trên 158.000 thư chứa mã độc, đồng thời xử lý 903 thư điện tử có chứa phần mềm độc hại.

Hệ thống bảo mật Kaspersky được cài đặt trên các máy chủ của tỉnh đã phát hiện 22 máy tính nhiễm 183 loại mã độc khác nhau. Công tác giám sát cũng giúp phát hiện và loại bỏ hơn 1.997 máy tính bị nhiễm mã độc, khắc phục 1.695 lỗ hổng phần mềm và ngăn chặn 268 kết nối nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện, cảnh báo và hướng dẫn xử lý các sự cố liên quan đến việc rò rỉ thông tin tài khoản, mật khẩu trên hệ thống thông tin công khai của một số cơ quan nhà nước, cũng như tình trạng các website bị chèn nội dung quảng cáo không phù hợp.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Đến nay, toàn bộ 744 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được phân loại, xác định cấp độ an toàn và cập nhật thông tin trên nền tảng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc này giúp các cơ quan quản lý nắm bắt tình trạng bảo mật của từng hệ thống, từ đó có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Trước những thách thức ngày càng gia tăng về an toàn, an ninh mạng, các cơ quan, tổ chức và cá nhân cần nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo mật. Việc tuân thủ quy định, thường xuyên cập nhật hệ thống và áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ thông tin cá nhân cũng như dữ liệu quan trọng của cơ quan, tổ chức. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong kỷ nguyên số ngày nay.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang