Tăng cường kiểm soát chất lượng bánh trung thu, thu giữ sản phẩm không đảm bảo chất lượng
Cao Bằng thu giữ trên 1,5 tấn nguyên liệu thuốc lá nhập lậu
Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, thu giữ hàng nghìn sản phẩm kém chất lượng
Bình Định thu giữ số lượng mỡ động vật đã qua chế biến
Đà Nẵng thu giữ nhiều sản phẩm may mặc nhập lậu
Để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu 2024, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các địa phương thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu. Đặc biệt, riêng đối với mặt hàng bánh trung thu, cần giám sát kiểm tra, kiểm soát theo nhiều giai đoạn.
Mới đây, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh bánh kẹo tại quận Thanh Khê. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hơn 1.800 chiếc bánh trung thu các loại gồm: bánh trung thu phomai Bibizan, bánh trung thu hồng trứng muối Bibizan, bánh trung thu trứng chảy Bibizan, bánh trung thu Chaosan Snack có xuất xứ Trung Quốc, được nhập khẩu và đang lưu thông tại thị trường Việt Nam nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo. Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm tra thu giữ số lượng lớn bánh trung thu tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Đà Nẵng
Tại Hà Nội, trong đợt kiểm tra tăng cường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2024, Đội QLTT số 24 Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc hộ kinh doanh tại địa chỉ: số 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Đây là một trong những điểm nóng về hoạt động kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp lễ hội Trung thu.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cửa hàng này đang bày bán nhiều sản phẩm bánh trung thu và bánh kẹo khác do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm: 240 cái bánh trung thu (bánh nướng, loại 500g/cái), nhãn bằng chữ nước ngoài; 72 gói bánh kem xốp loại 200g/gói, nhãn bằng chữ nước ngoài. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 24 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
QLTT TP Hà Nội thu giữ bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại tại cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLLTT Hà Nội
Trước đó, lực lượng QLTT TP Hà Nội cũng đã triển khai kiểm tra trên địa bàn quận Ba Đình, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận với số lượng hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 8.000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng tại 02 điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa trên địa bàn quận 12.
Tại Bình Thuận, từ ngày 12/8 đến 16/9, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm liên quan đến Tết Trung thu trên toàn tỉnh. Các mặt hàng được kiểm tra bao gồm bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp lễ.
Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là bánh trung thu, theo các tiêu chí an toàn như: sản phẩm phải có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần và hướng dẫn sử dụng. Bao bì sản phẩm không bị rách nát, biến dạng, và không có mùi hoặc màu sắc bất thường.
Đặc biệt, theo Quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo.
Theo đó, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.
Ngoài ra, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.
Bộ tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bánh nướng, bánh dẻo. Theo đó, không chỉ bánh trung thu, mà các loại bánh như: bánh nếp, bánh pía, bánh bột ngũ cốc… cũng có thể áp dụng các TCVN này.
Với bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sẽ tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình công bố. Sự ra đời của bộ tiêu chuẩn mới dành cho bánh nướng và bánh dẻo cũng sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất bánh trung thu dễ dàng hơn, và để đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng.
Duy Trinh (t/h)