Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 06:16 30/06/2021

(VietQ.vn) - Tăng cường công tác quản lý thị trường, tránh đầu cơ, thổi giá, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, lưu ý các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh...

Theo thông tin từ Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Cục đã kiểm tra, phát hiện 05 vụ việc vi phạm liên quan đến các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID–19 (dung dịch sát khuẩn, trang thiết bị y tế...).

Cụ thể, tạm giữ 207.300 đôi găng tay y tế; 29 hộp test thử nhanh COVID-19 mang nhãn hiệu GICA testsealabs Covid-19 Antigen Test Cassettle IVD Use only.HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.TLD CHINA; 400 hộp dụng cụ xét ngiệm COVID-19 Q Standard Covid-19 Ag home test loại 02 bộ/hộp; 43 sản phẩm nước rửa tay, nước súc miệng. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng hóa.

Theo Cục QLTT Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT căn cứ địa bàn được giao, tiếp tục tăng cường và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 và Tổng cục Quản lý thị trường về triển khai các biệp pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

Cục QLTT Hà Nội yêu cầu các Đội QLTT theo dõi sát tình hình thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày và có nhu cầu tiêu dùng cao như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm công nghệ chế biến, xăng dầu, gas và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID–19 (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế...). Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, chỉ đạo các Phòng, Đội Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng thành phố, chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

 Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) thu giữ các hộp dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Tổng cục QLTT

Trong thời gian tới, Cục QLTT Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 05/5/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường tránh đầu cơ, thổi giá, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, lưu ý các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn buôn bán vận chuyển động vật hoang dã.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội và Tổng cục QLTT trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, hóa chất, khí N2O, hàng hóa tiêu dùng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; …

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Công Thương về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục QLTT đã có công văn hỏa tốc gửi các Cục QLTT địa phương về việc triển khai công tác chống dịch COVID-19.

Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía bắc, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách như: Chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.

Đặc biệt, các lực lượng QLTT địa phương tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, nhất là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

Đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương. Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas,... thì báo cáo UBND, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang