Tăng cường phòng, chống lây nhiễm sởi trong bệnh viện

author 16:48 04/11/2024

(VietQ.vn) - Sở Y tế TP.Hà Nội vừa có công văn gửi các bệnh viện trên địa bàn thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh sởi trong bệnh viện.

Công văn nêu rõ: Hiện nay, tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 10 tháng đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 36 trường hợp sởi xác định. Số ca mắc gia tăng nhanh trong 2 tháng gần đây: 13 trường hợp mắc tháng 9 và 20 trường hợp mắc tháng 10. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi lây lan trong bệnh viện, đặc biệt là tại các bệnh viện đang tiếp nhận khám và điều trị các trường hợp mắc, nghi mắc sởi, Sở Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại Khoa Khám bệnh; bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Thực hiện báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán theo đúng quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hoặc khi số mắc bệnh tăng cao.

Bố trí khu vực cách ly điều trị người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly điều trị trong khoa.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 25/10 đến ngày 1/11), toàn thành phố ghi nhận 612 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 110 trường hợp so với tuần trước). Số ca mắc bệnh phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông 74 ca mắc; Cầu Giấy, Thanh Oai đều ghi nhận 43 ca; Nam Từ Liêm (41 ca); Đống Đa (36 ca); Ba Đình (33 ca); Thanh Xuân (27 ca); Thường Tín, Hai Bà Trưng (26 ca); Hoàng Mai, Đan Phượng (22 ca); Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Thanh Trì - mỗi nơi có 20 ca.

Như vậy, cộng dồn từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trạm Y tế xã Minh Cường, huyện Thường Tín. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội).

Về ổ dịch sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 26 ổ dịch tại 13 quận, huyện: Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Đình, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thanh Trì. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 301 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 48 ổ dịch đang hoạt động.

Cùng với sốt xuất huyết, số ca mắc sởi cũng gia tăng. Cụ thể, tuần qua ghi nhận 10 ca mắc sởi (tăng 3 ca so với tuần trước đó), trong đó có 7 trường hợp chưa được tiêm chủng và 3 trường hợp đã tiêm chủng.

Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung theo đường lây truyền, bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm.

Từ thực tế đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác truyền thông tại bệnh viện nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vaccine sởi đang nằm điều trị, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần xét nghiệm và chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát nhân viên y tế có nguy cơ (tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sởi) chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần sởi phải được tiêm bổ sung vaccine sởi ngay. Tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế trong đơn vị về hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh; yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt và có biện pháp giám sát sự tuân thủ; hướng dẫn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cùng thực hiện.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang