Kinh nghiệm triển khai hoạt động đảm bảo đo lường tại ‘mô hình mẫu’ ở Thái Nguyên

author 06:50 17/03/2022

(VietQ.vn) - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt là 03 doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đã ban hành được Chương trình đảm bảo đo lường.

Chương trình này đã được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức công bố ngày 15/12/2021 và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 03 doanh nghiệp này triển khai thực hiện Chương trình đến hết năm 2025.

Đo lường là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng.

Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 996). Đề án 996 sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.

Để triển khai Đề án 996, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 về việc phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.

Hợp tác xã chè Hảo Đạt là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đã ban hành được Chương trình đảm bảo đo lường.

Tại tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 10/3/2020 và giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho hay, năm 2021, Sở đã tổ chức khảo sát và lựa chọn được 03 doanh nghiệp là: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt để hỗ trợ xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021.

Đây cũng là 03 doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đã ban hành được Chương trình đảm bảo đo lường. Chương trình này đã được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức công bố ngày 15/12/2021 và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 03 doanh nghiệp này triển khai thực hiện Chương trình đến hết năm 2025.

Cũng theo ông Chính, sau 01 năm triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ nhận thấy các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là hoạt động đảm bảo đo lường được thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp về kinh tế cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khảo sát và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để đánh giá thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp về hoạt động đảm bảo đo lường, ttừ đó sẽ lựa chọn các doanh nghiệp điển hình để Sở hỗ trợ xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường.

Đây là các mô hình điểm, mô hình mẫu để triển khai nhân rộng cho các doanh nghiệp khác; Mời các chuyên gia về đo lường của Tổng cục, Hội Đo lường Việt Nam hỗ trợ Sở và doanh nghiệp xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường; Khi xây dựng Chương trình phải khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động đo lường của doanh nghiệp, từ đó chỉ ra những điểm chưa phù hợp, chưa tối ưu để tư vấn, xây dựng các nội dung cần đổi mới, cần tăng cường để nâng cao hiệu quả của hoạt động đảm bảo đo lường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho doanh nghiệp.

Trong Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp cần nêu cụ thể các nội dung do doanh nghiệp chủ động thực hiện và các nội dung cần Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải cam kết việc đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình theo kế hoạch đã duyệt.

Sau khi xây dựng Chương trình, Sở phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và tiến hành đánh giá hiệu quả của Chương trình theo từng năm để từ đó có thể điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp với thực tế. Tiến hành đánh giá hiệu quả của cả giai đoạn thực hiện Chương trình và tổ chức truyền thông về hiệu quả này để lan rộng hiệu quả của công tác đảm bảo đo lường.

Ông Chính cũng nhấn mạnh việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp ở địa phương còn có một số vướng mắc, khó khăn. Theo đó, Bộ KH&CN chưa có hướng dẫn cụ thể các nội dung được hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ để xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến Chương trình đảm bảo đo lường. Đồng thời, chưa có đội ngũ chuyên gia về công tác đảm bảo đo lường để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang