Thái nguyên tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 16:06 17/04/2024

(VietQ.vn) - Sau khi kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của bà Đ.T.T tại địa chỉ tại phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Qua kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh trên không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký và đang kinh doanh 300 chiếc xe đạp thể thao người lớn hiệu MINGU. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hoá; không có thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; số xe đạp trên có tổng trị giá 300.000.000 đồng.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà T khai nhận toàn bộ số hàng trên bà mua của người tới chào hàng lần đầu, không rõ tên và địa chỉ, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ hay bất cứ giấy tờ gì kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa gồm 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc xuất xứ trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Xe đạp không rõ nguồn gốc bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Liên quan tới xe đạp, các chuyên gia cho rằng hầu hết tất cả các mặt hàng tiêu dùng hiện nay cần phải xác nhận và tuyên bố rằng chúng không có mức độ độc hại của một số hóa chất nhất định. Người sử dụng xe đạp tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và có thể dành nhiều giờ tương tác với xe đạp, làm tăng khả năng hấp thụ và tiếp xúc hóa chất.

Các hóa chất điển hình cần quan tâm là các kim loại nặng như chì, cadimi và thủy ngân trong lớp phủ bề mặt hoặc vật liệu nền, và các chất hóa dẻo như phthalate được tìm thấy trong các vật liệu mềm, phi kim loại. Tiếp xúc với các hóa chất này có thể gây ung thư hoặc nguy hại đến sinh sản, nhưng các giới hạn và chỉ thị khác nhau tùy theo vùng tùy theo độ tuổi của người tiêu dùng và loại hóa chất.

Tại Việt Nam trước đây đã có TCVN 1692:1991 Xe đạp - Yêu cầu kỹ thuật. Sau đó TCVN 4955:2007 - ISO 8098:2002 Xe đạp - yêu cầu an toàn đối với xe đạp hai bánh cho trẻ em được ban hành. TCVN 4955:2007 thay thế TCVN 4955:1989 và hoàn toàn tương đương với ISO 8098:2002. 

Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu an toàn, đặc tính kỹ thuật và phương pháp thử trong thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm đối với xe và các bộ phận của xe đạp hai bánh cho trẻ em từ bốn đến tám tuổi (sau đây gọi tắt là xe). Tiêu chuẩn cũng đề ra các nguyên tắc hướng dẫn sử dụng và bảo quản xe. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các xe có chiều cao yên lớn nhất nhỏ hơn 635 mm và lớn hơn 435 mm, và xe được di chuyển bởi một truyền động được truyền cho bánh sau. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các xe đạp chuyên dùng được dành cho trò chơi mạo hiểm (ví dụ, các xe đạp BMX).

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang