Tham gia EVFTA, hàng Việt chịu gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại

author 14:48 05/10/2020

(VietQ.vn) - Việt Nam bị điều tra gần 200 vụ phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ…

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, thời gian qua số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ,…

 Hàng Việt Nam xuất khẩu chịu gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Trong số đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm, tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.

Ở chiều ngược lại về công tác khởi kiện, đến nay Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.

Các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần bảo vệ việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ chống bán phá giá với ước tính chiếm khoảng 5,12% tổng GDP Việt Nam năm 2019.

Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Các biện pháp này cũng góp phần thực hiện các giải pháp liên quan tới xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, trong đó, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty Phân bón DAP-Vinachem (Đình Vũ - Hải Phòng), Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Pomina…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện năng lực phòng vệ của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ phòng vệ thương mại nước ngoài còn bất cập; nguồn nhân lực hạn chế so với sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các vụ khởi kiện và kháng kiện phòng vệ thương mại.

Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp cũng như năng lực xử lý vụ phòng vệ thương mại của các cơ quan liên quan, nhằm bảo vệ các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại thị trường thế giới.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang