Thành phố Hồ Chí Minh: Vấn nạn hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp

author 06:10 21/01/2024

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023 toàn lực lượng đã kiểm tra trên 5.000 vụ, xử phạt vi phạm hành chính là 4.548 vi phạm về hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tăm 2023, trong bối cảnh kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, các hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm; sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm,… không giảm.

Mặc dù, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý rất nhiều đối tượng vi phạm kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại với số lượng hàng hóa vi phạm bị xử lý lớn nhưng vẫn có nhiều trường hợp tái phạm. Các đối tượng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo...) với nhiều thủ đoạn để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa được tập kết tại các kho hàng, bến bãi để vận chuyển đi tiêu thụ thông qua các dịch vụ giao nhận.

Toàn lực lượng quản lý thị trường thành phố đã xử lý 4.548 vụ vi phạm về hàng hóa. Ảnh: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh

Các đối tượng hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng này đã lợi dụng địa bàn rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và dân cư tập trung động, nhu cầu mua sắm của người dân cao nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,… vẫn không ngừng được thực hiện.

Tình hình vận chuyển hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là các mặt hàng điện tử, hàng điện gia dụng, thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm,… theo hướng biên giới Tây Nam có dấu hiệu tăng trở lại cả về quy mô lẫn số lượng. Các đối tượng vận chuyển hoạt động không có giờ cố định, lợi dụng hoạt động giao hàng qua ứng dụng giao nhận nên khó kiểm soát, khó xác định địa điểm kinh doanh, kho hàng để kiểm tra, xử lý.

Kết quả, số vụ kiểm tra là 5.091 vụ (tăng 1.507 vụ, tăng 42,05% so với cùng kỳ năm trước); số quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 4.548 quyết định, trong đó có 65 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định tịch thu theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện; 4.483 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định tịch thu theo thẩm quyền của Cục trưởng, Đội trưởng Quản lý thị trường. Tổng số tiền thu đã thu nộp ngân sách là 96.795.949.000 đồng (tăng 66,80% so với cùng kỳ năm trước) gồm: 83.363.506.000 đồng tiền phạt hành chính, 11.322.082.000 đồng tiền bán hàng tịch thu và 2.110.360.000 tiền truy thu số lợi bất hợp pháp.

Đơn vị cũng đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông có trị giá là 54.826.114.000 đồng và trị giá hàng tịch thu chờ bán là khoảng 116 tỷ đồng. Số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn, chưa nộp tiền phạt là 82 Quyết định với tổng số tiền là 1.849.000.000 đồng.

Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 21 vụ, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm là khoảng 54,3 tỷ đồng và đã tiếp nhận 06 vụ chuyển lại từ cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý hành chính.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 49.427 vụ, có 196 vụ vi phạm; đặc biệt trong đó, có Đoàn kiểm liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc đã kiểm tra 47.727 vụ, có 21 vụ vi phạm về kiểm dịch, giao cơ quan thú y xử lý 34 con gà, 03 con vịt và 400kg thịt gà đông lạnh, xử phạt vi phạm hành chính 342.500.000 đồng.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau củ quả, gạo, thịt lợn, thuốc lá, đường cát,... Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang