Thêm một giấy chứng nhận hợp quy nghi vấn giả mạo có tên Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam

author 07:02 25/04/2024

(VietQ.vn) - Trong quá trình tư vấn cho phóng viên, nhân viên Inno Invest (đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm sơn Pencco của Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam) tiếp tục gửi một giấy chứng nhận hợp quy có dấu hiệu giả mạo.

Trong bài viết "Cần làm rõ dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận giả mạo để quảng cáo sản phẩm sơn Pencco", toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập tới việc nhân viên Tập đoàn Inno Invest (đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm sơn Pencco của Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam) gửi cho phóng viên (trong vai khách hàng) giấy chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2008 giả mạo.

Không chỉ chứng nhận ISO 9001:2008, nhân viên tên Nguyễn V. còn gửi cho phóng viên một giấy chứng nhận khác cũng có nhiều dấu hiệu giả mạo. Cụ thể, nhân viên này gửi cho phóng viên một giấy chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN 16:2014/BXD.

QCVN 16 là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Đến nay quy chuẩn này đã trải qua nhiều phiên bản (QCVN 16:2014/BXD, QCVN 16:2017/BXD, QCVN 16:2019/BXD, QCVN 16:2023/BXD). Theo quy định tại QCVN 16, sơn tường dạng nhũ tương là loại sơn cần phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy rồi mới đưa ra thị trường.

QCVN 16 cũng nêu rõ, sơn tường dạng nhũ tương khi lưu thông trên thị trường phải có giấy chứng nhận hợp quy, giấy công bố hợp quy và/hoặc thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của Sở Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh. Dấu hợp quy được sử dụng trực tiếp trên sản phẩm hoặc bao gói, nhãn gắn trên sản phẩm hoặc trong chứng chỉ chất lượng, tài liệu kỹ thuật của sản phẩm.

 Sản phẩm sơn Pencco đang được quảng cáo rầm rộ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Trong giấy chứng nhận do Nguyễn V. cung cấp ghi rõ tên doanh nghiệp được cấp chứng nhận là Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam. Phạm vi cấp chứng nhận ghi trong giấy chứng nhận là sơn nhũ tương nội, ngoại thất, nhãn hiệu là Inno Paints. Xem kỹ giấy chứng nhận này, có thể thấy một số dấu hiệu bất thường.

Thứ nhất, Giấy chứng nhận hợp quy do Viện Vật liệu Xây dựng cấp sẽ ghi đầy đủ thông tin về số giấy chứng nhận và năm cấp chứng nhận. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận người đàn ông tên Nguyễn V. gửi, năm cấp chứng nhận đã bị che đi (chỉ để lại dòng chữ: Số 195/201 /DNSX-VLXD). 

Thứ hai, Giấy chứng nhận được cấp cho Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam nhưng trên giấy chứng nhận lại ghi nhãn hiệu Inno Paints. Trên thực tế, Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam và Inno Paints là hai doanh nghiệp, hai thương hiệu khác nhau hoàn toàn. Inno Paints là thành viên của Tập đoàn Inno Invest, còn Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam là doanh nghiệp đại diện cho thương hiệu sơn Pencco (Mỹ) tại thị trường Việt Nam.

Thứ 3, giấy chứng nhận ghi rõ phương thức đánh giá chứng nhận: "Phương thức 5 theo QĐ số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2019". Trên thực tế, phương thức đánh giá phải được quy định tại Thông tư số 28/12-TT-BKHCN ngày 12/12/2012 do Bộ KH&CN ban hành. Cần lưu ý đó là "Thông tư" chứ không phải "Quyết định". Và Thông tư được ban hành ngày 12/12/2012 chứ không phải ngày 12/12/2019.

Thứ 4, trên thực tế, mãi tới ngày 27/11/2023 hãng sơn Pencco mới công bố sự kiện ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Inno Invest. Sự kiện này đánh dấu việc Inno Invest trở thành nhà phân phối độc quyền của thương hiệu sơn Pencco tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận hợp quy cấp cho Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam lại có nhãn hiệu Inno Paints liệu có hợp lý?

Thứ năm, đến thời điểm năm 2017, QCVN 16:2014/BXD đã hết hiệu lực và thay bằng QCVN 16:2017/BXD. Vậy tại sao giấy chứng nhận hợp quy ông Nguyễn V. cung cấp lại ghi nội dung được cấp theo quyết định ban hành năm 2019? Kể cả trường hợp doanh nghiệp này được cấp chứng nhận năm 2019, thì cũng phải cấp theo QCVN 16:2019/BXD (bởi vào năm 2019, QCVN 16:2019/BXD chính thức thay thế QCVN 16:2017/BXD).

Câu hỏi đặt ra lúc này là từ đâu mà ông V. có giấy chứng nhận này? Giấy chứng nhận là do Công ty Cổ phần Pencco cung cấp hay tự ông V. làm giả để gửi cho phóng viên (trong vai khách hàng)? Tập đoàn Inno Invest có trách nhiệm liên quan tới vấn đề này hay không?

 Giấy chứng nhận được cấp cho Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam có dấu hiệu giả mạo. 

Để sự việc khách quan, phóng viên đã liên hệ, gửi Giấy giới thiệu tới Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam. Dù đã tiếp nhận Giấy giới thiệu và nội dung phản ánh, tuy nhiên, qua nhiều ngày, phía Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam vẫn chưa có phản hồi gì về vấn đề trên.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 quy định hành vi bị cấm bao gồm: Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 6 Điều 8); Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 7 Điều 8); Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa (Khoản 9 Điều 8).

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Khoản 1 Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị Thanh tra Tổng cục TCĐLCL, Thanh tra Bộ Xây dựng, Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) đối việc sử dụng chứng nhận giả mạo để quảng cáo sản phẩm sơn Pennco.

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam thông tin, một người đàn ông tên Nguyễn V. (là nhân viên của Tập đoàn Inno Invest), tự nhận được giao phụ trách địa bàn Hà Nội gọi điện cho phóng viên để giới thiệu cơ chế, chính sách, quyền lợi và trách nhiệm của đại lý phân phối sơn Pencco. Trong buổi trò chuyện, người này liên tục ca ngợi chất lượng sản phẩm sơn Pencco, khẳng định đây là sản phẩm thuộc top đầu thị trường sơn Việt Nam.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập câu hỏi về việc các sản phẩm sơn Pencco đã được chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2019/BXD (nay là QCVN 16:2023/BXD) và QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì hay chưa thì người đàn ông này tỏ ra bối rối và nói "chắc là có rồi".

Vài hôm sau, qua tin nhắn Zalo, người đàn ông này gửi cho phóng viên một số giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm được cấp cho Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam. Trong đó có giấy chứng nhận ISO 9001: 2008. Theo như hình ảnh giấy chứng nhận do người đàn ông tên V. cung cấp, đơn vị cấp giấy này là Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) - thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Khi xem kỹ giấy chứng nhận, phóng viên phát hiện một số điểm bất thường. Cụ thể, theo quy định, thời hạn giấy chứng nhận hợp chuẩn chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận người đàn ông tên V. gửi, giấy này có giá trị tới 6 năm.

Một điểm bất thường nữa là thời điểm giấy chứng nhận này có hiệu lực (30/8/2019). Kể từ năm 2015, tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được ban hành thay thế cho tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Vậy tại sao giấy chứng nhận người đàn ông tên V. gửi vẫn được cấp theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008?

Để có thông tin đầy đủ và chính xác nhất, phóng viên đã liên hệ Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert). Sau khi kiểm tra hình ảnh giấy chứng nhận kể trên, đại diện Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) khắng định, giấy chứng nhận mà người đàn ông tên V. gửi cho phóng viên là giả mạo.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang