Lao đao trước dịch bệnh, mặt bằng bán lẻ ‘mỏi mắt’ tìm người thuê

authorMai Thanh 06:31 17/06/2021

(VietQ.vn) - Dịch bệnh khiến nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa. Cùng với đó, thị trường mặt bằng cho thuê tiếp tục giảm sâu và không có dấu hiệu hồi phục.

Theo khảo sát tại các tuyến phố lớn trên địa bàn thủ đô Hà Nội, mặt bằng kinh doanh cho thuê mỗi ngày một nhiều. Thậm chí có những mặt bằng cho thuê đã nửa năm mà không có khách hỏi.

Nhiều chủ mặt bằng cho biết, dù đã giảm giá kịch sản đến 50% nhưng gần như người thuê để kinh doanh cũng không mặn mà. Bởi thời điểm này theo đánh giá chung rất ít người dám mạo hiểm đầu tư vào kinh doanh. Bình thường, tại những con phố lớn hay các khu vực mặt bằng đẹp như ngã 3, ngã 4 rất hiếm khi treo biển cho thuê mặt bằng. Thế nhưng nếu dạo một vòng các tuyến phố trung tâm Hà Nội thì mặt bằng cho thuê nhan nhản.

Thị trường mặt bằng kinh doanh lao đao trước dịch bệnh

 Mặt bằng cho thuê "nhan nhản" tại các tuyến phố trung tâm Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Hương, chủ một điểm cho thuê mặt bằng trên đường Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm cho biết, trước khi có dịch chưa khi nào ông phải treo biển cho thuê mặt bằng. Bởi chỉ cần khách trả nhà, đăng trên vài diễn đàn cho thuê trên mạng xã hội là ngay tập tức hàng trăm cuộc điện thoại ngỏ ý muốn xem, thuê. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh bùng phát, dù đã treo biển nửa năm nay nhưng vẫn vắng khách.

“Nhà tôi trước đây cho thuê làm nhà hàng. Bởi diện tích mặt phố 3 tầng mỗi tầng chừng 70m vuông. Thế nhưng dịch bệnh nhà hàng phá sản, từ Tết đến giờ tôi đăng thông tin cho thuê khắp nơi mà không có khách hỏi. Thi thoảng có người gọi điện nhưng là bên môi giới. Tất nhiên mùa dịch thì giá thuê cũng không thể để cao như thời điểm trước đó được. Tôi đã chấp nhận giảm giá 30% mà vẫn không có người hỏi”, ông Hương cho biết.

Thị trường mặt bằng kinh doanh lao đao trước dịch bệnh

 Khu phố cổ là nơi có nhiều mặt bằng cho thuê nhất.

Cũng phải giảm giá đến 50% nhưng người đi thuê mặt bằng kinh doanh thời điểm này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Minh Phương, chủ một cơ sở có mặt bằng cho thuê trên đường Kim Mã (quận Ba Đình) cho hay, sau khi treo biển giảm giá đến 50% cũng có khách hỏi nhưng khách toàn ép giá giảm thêm xuống đến 70%. Nếu cho thuê giảm giá đến 70% thì thà để mặt bằng không còn hơn.

“Chưa bao giờ tôi gặp tình cảnh khó khăn trong việc cho thuê mặt bằng như vậy. Giảm giá đến 50% mà khách thuê vẫn không có. Nếu khoảng 2 – 3 tháng nữa mà vẫn chưa cho thuê được mặt bằng chắc tôi chuyển hướng cho thuê làm nhà trọ. Dù mặt bằng mặt phố cho thuê trọ cũng sót ruột nhưng đành vậy. Bởi dịch bệnh cũng ít người có như cầu kinh doanh”, ông Phương nói.

Không chỉ khu vực trung tâm nội đô vắng bóng mà các khu vực lân cận như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông… trước khi dịch bệnh xuất hiện, giá cho thuê, sang nhượng mặt bằng khá cao thì sau một năm, giá thuê tại những khu vực này cũng đã sụt giảm đáng kể.

Thị trường mặt bằng kinh doanh lao đao trước dịch bệnh

Trước đây, Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam - bà Võ Khánh Trang đã phân tích, số lượng mặt bằng chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, nhưng tốc độ phủ kín chậm do ảnh hưởng của đại dịch. Trong tình cảnh này, xu hướng chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch. Việc mở cửa cho người nước ngoài chưa được thực hiện trở lại đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó một bộ phận kinh doanh tại các trung tâm lớn phải gánh hậu quả.

Đến nay tình trạng mặt bằng bán lẻ “mỏi mắt” tìm người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm Thủ đô, mà ngay tại các quận, huyện ngoại thành cũng khó tìm khách thuê. Đây được xem là hiệu ứng domino khi dịch bệnh ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội, cùng với đó là xu hướng tiêu dùng thay đổi khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sự sụt giảm hàng hóa tiêu dùng và mặt bằng bất động sản cho thuê…

Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, phải mất thêm quãng thời gian nữa thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi. Trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc phải tìm phương án đối phó. Kinh doanh online là một phương án hữu hiệu được các bên lựa chọn vào lúc này.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường bán lẻ, tìm kiếm phương thức kinh doanh mới, bởi những giá trị cung cầu đã bị chênh lệch quá xa so giá trị thực.

Trần Đức Lộc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang