Thiếu khung khổ pháp lý- Hoạt động lừa đảo và gian lận thương mại trên môi trường mạng khó ngăn chặn

author 06:14 10/11/2020

(VietQ.vn) - Việc thiếu khung khổ pháp lý để quản lý các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ trên các trang TMĐT, các website TMĐT và cả những hoạt động bán hàng trên mạng xã hội cũng như trên Youtube, đã khiến cho hoạt động lừa đảo và gian lận thương mại trên môi trường mạng đang phát triển rất nhanh.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 9/11/2020.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thương mại điện tử thời gian qua tăng trưởng rất nhanh chóng do tính chất dễ dàng, mọi đối tượng đều có thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, nhất là trong môi trường xuyên biên giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội 

Trong khi, các cơ quan chức năng, trước hết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Hơn nữa, lại đang thiếu khung khổ pháp lý để quản lý các hoạt động thương mại điện tử không chỉ trên các trang thương mại điện tử, các website thương mại điện tử mà ngay cả những hoạt động bán hàng trên mạng xã hội cũng như trên Youtube. Chính vì vậy, hoạt động lừa đảo và gian lận thương mại trên các phương tiện TMĐT, trên môi trường mạng đang phát triển rất nhanh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ này đang xây dựng lại Nghị định 52, trong đó, xác định trách nhiệm của tất cả các cơ quan có liên quan trong đấu tranh ngăn chặn với các hành vi gian lận thương mại điện tử gắn với các hoạt động quảng cáo cũng như giới thiệu hàng hóa trên môi trường mạng, để các bộ, ngành phối hợp triển khai trong thời gian tới.

Thực tế, các chế tài mà chúng ta đã ban hành như Nghị định 98 và một số quy định đã ban hành đảm bảo tính răn đe sẽ là công cụ các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng không thể thiếu được, đó là công tác tuyên truyền pháp luật đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng nói không với những hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thông tin, trong năm 2019 và năm 2020, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với lực lượng 398 của các địa phương và Trung ương đã tập trung đánh mạnh vào các hệ thống buôn lậu được tổ chức rất tinh vi tại nhiều địa phương. Điển hình mới đây nhất là lực lượng QLTT đã bắt những trung tâm hàng lậu rất lớn từ Lào Cai với quy mô đến hơn 10.000 mét vuông, có tới hơn 200.000 chủng loại hàng hóa. Lực lượng QLTT cũng đã đánh thẳng vào trung tâm sản xuất hàng lậu, hàng giả tại Ninh Hiệp, Hải Dương rồi những trung tâm thương mại lớn chuyên buôn hàng lậu, hàng giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mặc dù quản lý thị trường cùng với Ban 389 đã triển khai tốt và có hoạt động rất tích cực trên địa bàn ngay từ vùng biên giới. Tuy nhiên, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò lực lượng QLTT ngay từ biên giới để đảm bảo không có thẩm lậu hàng hóa nhập lậu vào trong nước.

Trong đất liền và trên lãnh thổ thì lượng quản lý thị trường phải tập trung quyết liệt đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang